HĐND TP.HCM thông qua hàng loạt quyết sách quan trọng

Tại kỳ họp thứ 23, HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra sáng 9.12, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, biểu quyết và thông qua hàng loạt nghị quyết quan trọng.

TP.HCM thu phí cảng biển từ tháng 7.2021

Sáng 9.12, HĐND TP.HCM đã chính thức thông qua nghị quyết về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố. Nghị quyết này chính thức áp dụng từ ngày 1.7.2021.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết. Ảnh: Phan Diệu

Các đại biểu biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết. Ảnh: Phan Diệu

Theo đó, hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu, loại xe container 20 feet phải trả 2,2 triệu đồng/container; xe container 40 feet là 4,4 triệu đồng/container; hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là 50.000 đồng/tấn.

Đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, xe container 20 feet là 500.000 đồng/container; xe container 40 feet là 1 triệu đồng/container; hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là 30.000 đồng/tấn.

Đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, xe container 20 feet là 250.000 đồng/container, xe container 40 feet là 500.000 đồng/container; hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là 15.000 đồng/tấn.

Riêng hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh sẽ miễn thu phí.

Đáng chú ý, HĐND TP.HCM cũng thông qua nghị quyết ban hành phí tham quan di tích lịch sử căn cứ Rừng Sác, huyện Cần Giờ và Khu di tích địa đạo Củ Chi. Mức thu phí đối với người lớn là 30.000 đồng/lần/người; còn trẻ em từ 7 đến dưới 16 tuổi, học sinh, sinh viên được giảm 50% giá vé. Trong khi đó, người khuyết tật, lực lượng vũ trang, người có công cách mạng, hội cựu chiến binh, hộ nghèo... được miễn vé.

Hủy bỏ 61 dự án chậm triển khai

Cũng tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TP.HCM đã chấp thuận thông qua danh mục hủy bỏ đối với 61 dự án thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn TP.HCM. Những dự án này đã được HĐND TP.HCM thông qua vào các năm 2015, 2016, 2017.

Trong số 61 dự án này, có 43 dự án thuộc danh mục cần thu hồi đất (không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa); 8 dự án thuộc danh mục cần thu hồi đất và có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; 10 dự án thuộc danh mục có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (trong đó có 1 dự án trên 10ha).

Một góc kỳ họp diễn ra sáng 9.12. Ảnh: Phan Diệu

Một góc kỳ họp diễn ra sáng 9.12. Ảnh: Phan Diệu

Đáng chú ý, trong danh sách bị hủy bỏ thì có nhiều dự án nằm tại những vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố. Điển hình như dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Dự án này đã kêu gọi đầu tư nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện.

Dự án khu phức hợp Đồng Khởi – Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế (phường Bến Nghé, quận 1) cũng bị hủy bỏ, do UBND TP.HCM chưa lựa chọn được nhà đầu tư vì đang chờ ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Dự án đã quá thời hạn 3 năm song chưa triển khai.

Với những dự án này, HĐND TP.HCM giao UBND TP.HCM công bố công khai hủy bỏ việc thu hồi đất để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đồng thời, UBND TP.HCM chỉ đạo sở, ngành phối hợp quận, huyện tiếp tục rà soát các dự án không triển khai, chậm triển khai để có giải pháp xử lý kịp thời theo quy định.

TP.HCM thu ngân sách 5 năm hơn 1,98 triệu tỉ đồng

HĐND TP.HCM cũng thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm, giai đoạn 2021-2025 của TP.HCM. Trong đó, TP.HCM đưa ra mục tiêu phấn đấu thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 khoảng hơn 1,98 triệu tỉ đồng. Tỷ trọng thu nội địa bình quân đạt khoảng 69% tổng thu ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn này khoảng hơn 420.000 tỉ đồng, riêng chi đầu tư phát triển khoảng 40%, còn chi thường xuyên khoảng 52,5%.

Về kế hoạch đầu tư công năm 2021, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết; trong đó nguồn vốn Trung ương bố trí cho TP.HCM là hơn 3.827 tỉ đồng và nguồn vốn ngân sách TP.HCM là gần 32.000 tỉ đồng.

Nghị quyết này còn đề nghị UBND TP.HCM kiên trì kiến nghị Trung ương tiếp tục bố trí vốn với 2 bệnh viện tuyến cuối (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 và Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM) vì hai bệnh viện này đã hoàn thành công trình, đưa vào hoạt động nhưng chưa được bố trí đủ vốn để thanh quyết toán dự án.

Hàng trăm tuyến đường được đặt tên

Theo nghị quyết về bổ sung quỹ tên đường và đặt tên đường, HĐND TP.HCM cũng đã thống nhất bổ sung tên 4 nhân vật lịch sử vào quỹ tên đường của thành phố. Đó là tên hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Truyền, Phan Thị So; cùng GS.TS Nguyễn Thiện Thành, NSND Thái Ly.

Đặc biệt, HĐND TP.HCM còn thống nhất đặt tên 224 tuyến đường trên địa bàn các quận huyện. Trong số này, tên đường Nguyễn Thiện Thành được đặt cho đường ven sông Sài Gòn (R3) từ Đại lộ vòng cung đến đường vòng quanh khu 2C ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tên đường Thái Ly được đặt cho đường số 41, từ đường Quốc Hương – đường 44 đến đường 44 – khu Thanh Bình (quận 2).

Các tên danh nhân như Tố Hữu, Trần Bạch Đằng được đặt cho các đường thuộc quận 2, Trần Đức Thảo (quận 9), Trần Văn Khê (quận Bình Thạnh)…

Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết về thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM. Theo đó, văn phòng này là cơ quan tương đương Sở, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND TP.HCM.

Văn phòng có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, đại biểu HĐND TP.HCM. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng do Chánh Văn phòng làm chủ tài khoản.

Phan Diệu

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hdnd-tp-hcm-thong-qua-hang-loat-quyet-sach-quan-trong-26644.html