HĐXX: Lá thư của CEO nước ngoài không phải là luận cứ bào chữa cho Trương Mỹ Lan
Chủ tọa phiên tòa cho rằng, lá thư của CEO tập đoàn lớn ở Hong Kong (Trung Quốc) chưa được hợp pháp hóa lãnh sự nên không thể xem là một phần của luận cứ bào chữa.
Ngày 2/4, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác.
Bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư cho rằng, ngày 13/4/2022, ông Justin Chiu, đại diện Tập đoàn CK Asset Holdings Limited (Tập đoàn đầu tư lớn ở Hong Kong (Trung Quốc) trong lĩnh vực bất động sản do tỷ phú Lý Gia Thành sáng lập) và ông Li Hao đại diện Tập đoàn ORIX Nhật Bản và Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân có buổi làm việc với UBND TP.HCM.
Tại đây hai tập đoàn bày tỏ mong muốn tìm cơ hội đầu tư vào TP.HCM. Sau khi nghe tin bà Trương Mỹ Lan bị bắt, ngày 27/3, ông Justin Chiu viết thư gửi TAND TP.HCM bày tỏ những tình cảm tốt đẹp dành cho bà Trương Mỹ Lan và tạo điều kiện đàm phán để đầu tư các dự án của bà Lan.
Chủ tọa cho biết văn bản này chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định nên HĐXX không xem xét và nhắc nhở luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan không đề cập đến lá thư này, tránh để hiểu nhầm, truyền thông sai.
Về tranh luận xoay quanh việc định giá dự án Mũi Đèn Đỏ, VKS đánh giá các luật sư đưa chứng thư thẩm định của Công ty Savills là không phù hợp vì chứng thư này thẩm định tài sản hình thành trong tương lai.
Với mong muốn khắc phục hậu quả, gia đình bị cáo Lan đã liên hệ với quỹ đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu châu Á. Bên cạnh đó, với mong muốn được đề xuất giải pháp toàn diện liên quan đến SCB, bị cáo Lan mong muốn liên kết nhà đầu tư trên toàn cầu. Bà Trương Mỹ Lan tin tưởng sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài cho việc phát triển các dự án của Vạn Thịnh Phát.
Với 13 tài sản nằm ngoài danh mục kê biên sẽ được sử dụng để khắc phục hậu quả vụ án nếu có, gia đình bà Lan đề xuất làm việc với quỹ đầu tư để sử dụng chiến lược giải pháp khác nhau, chuyển nhượng dự án giá trị cao nhất. Đồng thời, gia đình bị cáo đề xuất bán chuyển nhượng với các tài sản thế chấp tại SCB.
Tại phiên tòa sáng 2/4, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella) cho biết gia đình nộp thêm 61 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Bị cáo Trí bị cáo buộc đã tự ý làm hồ sơ khống thanh lý giao dịch có giá trị 1.000 tỷ đồng trước đó với Trương Mỹ Lan nhằm chiếm đoạt số tiền này sau khi hay tin Lan bị bắt.
Trong phần đối đáp tại phiên tòa ngày 1/4, VKS cho rằng, bị cáo Trí đã thành khẩn khai nhận hành vi chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bị cáo Trương Mỹ Lan. Bị cáo Trí đã tác động gia đình nộp khắc phục hơn 600 tỷ đồng, vì vậy VKS ghi nhận ý thức trách nhiệm bồi thường của bị cáo và gia đình.
Đối với các tình tiết giảm nhẹ mà luật sư trình bày là mẹ vợ, bố vợ của bị cáo Trí được tặng huân chương, VKS đề nghị HĐXX ghi nhận thêm cho bị cáo.