Hè đến rồi, làm sao giải thoát con khỏi iPad và game?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa chính thức bổ sung chứng nghiện trò chơi điện tử là một bệnh lý trong danh sách cập nhật phân loại bệnh quốc tế.

Vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức bổ sung chứng nghiện trò chơi điện tử là một bệnh lý trong danh sách cập nhật phân loại bệnh quốc tế (ICD). Theo WHO, nghiện game là một bệnh về tâm thần.

Hè là dịp để trẻ em được vui chơi, giải trí sau một thời gian dài học tập. Tuy nhiên, việc được sân chơi lành mạnh, bổ ích và phương án quản lý trẻ dịp hè vẫn là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh thường để trẻ sử dụng iPhone, iPad hay để trẻ tự do chơi game quá nhiều mà không biết rằng việc lạm dụng những thứ đó có thể làm ảnh hưởng tới tương lai của con em mình.

Biểu hiện của trẻ nghiện game

Theo BS CK II Trần Minh Khuyên, chuyên khoa Tâm thần kinh và trị liệu tâm lý, giám định viên pháp y tâm thần, chứng rối loạn chơi game hay còn gọi nghiện game là một chứng rối loạn tâm thần.

Người nghiện thường có các biểu hiện như thèm chơi game, chơi game liên tục không nghỉ trong nhiều giờ, không kiểm soát được việc chơi game, không có khả năng kiểm soát được thời gian chơi game trên máy tính, mất thời gian vì chơi game, bỏ bê các việc học tập, công việc, che giấu các cảm giác và tình huống khó chịu, nói dối về thời gian chơi game.

Ngoài ra, người bệnh còn có các biểu hiện về cảm xúc như sẽ tỏ ra khí sắc trầm, mất hứng thú, sở thích mà chỉ tập trung vào việc chơi game, mất ngủ, chán ăn, ăn ít, rối loạn tâm thần vận động, giảm sút năng lượng, khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định.

“Ngày càng có nhiều trường hợp nhập bệnh viện điều trị do nghiện game, trong đó phần lớn các bệnh nhân ở lứa tuổi học sinh, việc điều trị nghiện game không quá đắt đỏ. Tuy nhiên, khi bệnh càng nặng thì di chứng để lại có thể rất nặng nề, nhiều trường hợp người bệnh phải điều trị tâm thần cả đời. Ngay cả khi đã cai nghiện thành công, đứa trẻ vẫn có thể tái nghiện nếu không có sự lưu tâm thỏa đáng của phụ huynh” - BS Khuyên nói.

Dù trời đã khuya nhưng vẫn còn nhiều đứa trẻ mải mê chơi game trong một tiệm Internet ở TP.HCM. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Dù trời đã khuya nhưng vẫn còn nhiều đứa trẻ mải mê chơi game trong một tiệm Internet ở TP.HCM. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Con bạn đang ở mức độ nghiện game nào?

Hệ thống Trường Phổ thông nội trú IVS (TP.HCM) là ngôi trường chuyên giáo dục, điều trị đối với những học sinh nghiện game, cá biệt, tăng động. Là người đang công tác tại trường này, ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển võ Việt Nam và thể thao, cho biết nhà trường mới tiếp nhận thêm hai trường hợp gia đình gửi các em vào để điều trị vì nghiện game.

Em NA (16 tuổi, Bến Tre) là con một trong nhà, chơi game từ năm chín tuổi. Thời gian đầu chơi rải rác hai, ba tiếng một ngày, sau tần suất chơi game tăng lên, thay vì rải rác chơi thì ngày nào cũng chơi. Do chơi game quá nhiều cộng với cãi lời cha mẹ nên A. bị đưa vào đây.

Một trường hợp khác là em VT (15 tuổi, TP.HCM), chơi game từ năm 12 tuổi, vì quá đam mê game (chơi tám tiếng một ngày) nên năm lớp 9 em đã bỏ thi. T. chơi thâu đêm cho tới sáng. Cũng vì do nghiện game, ảnh hưởng tới học tập cũng như sinh hoạt nên gia đình phải gửi T. vào trường.

“Quá trình nghiện game có ba mức độ là thích game (người chơi chỉ chơi rải rác từ 30 đến 45 phút một lần), mê game (chơi từ một đến hai giờ trong một ngày) và nghiện game (chơi nhiều hơn ba giờ trong một ngày và chơi liên tục nhiều ngày).

Độ tuổi dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất là 13 đến 20 tuổi. Thường thì trẻ ở mức độ một và hai thì sẽ dễ điều trị hơn, nếu trẻ rơi vào mức độ ba nghĩa là tâm lý của trẻ đã bị ảnh hưởng nặng nề trong thế giới game. Khi đó, việc điều trị liên quan nhiều đến bệnh lý, bị rối loạn tâm thần nhiều hơn, khó điều trị hơn” - ông Đặng Lê Anh nhận định.

Cai nghiện game cho con bằng cách nào?

Về phương pháp điều trị, cả BS Trần Minh Khuyên và ông Đặng Lê Anh đều cho rằng việc đầu tiên trong quá trình điều trị là tách người nghiện ra khỏi môi trường game bằng cách rèn luyện thể chất như chơi thể thao, buộc trẻ phải sinh hoạt giờ giấc điều độ hằng ngày. Đồng thời, gia đình cần cho trẻ tham gia các chuyến tham quan, các hoạt động ngoại khóa để tăng cơ hội giao tiếp với xung quanh, quên đi khao khát chơi game và tăng khả năng tái hòa nhập với cuộc sống thực tại.

Kèm theo đó là kết hợp với các biện pháp tâm lý trị liệu - nhận thức hành vi như phân tích cho trẻ hiểu tác hại của việc chơi game, tạo cho trẻ môi trường sống lành mạnh và dạy cho trẻ kỹ năng sống…

TRÚC PHƯƠNG - HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/he-den-roi-lam-sao-giai-thoat-con-khoi-ipad-va-game-838987.html