Các chiến hào dài và hẹp là đặc điểm chung ở Mặt trận phía Tây trong Thế chiến 1. Binh sĩ các nước đào những chiến hào sâu trong lòng đất để bảo vệ lực lượng khỏi hỏa lực và pháo binh của đối phương.
Trong Chiến tranh thế giới 1, một số vũ khí hóa học và khí độc đã được sử dụng. Binh sĩ chiến đấu ở các chiến hào sẽ có thêm thời gian để thực hiện các giải pháp an toàn như đeo mặt nạ phòng độc. Nhờ vậy sẽ giảm thiểu thương vong.
Dù vậy, các cuộc tấn công ác liệt từ các chiến hào vẫn khiến các nước tham chiến chịu thương vong lớn.
Nổi tiếng nhất là trong trận Somme năm 1916 diễn ra ở Pháp. Trong trận chiến này, khoảng 60.000 lính Anh thương vong chỉ trong ngày đầu tiên.
Những binh sĩ thường chiến đấu và ăn ngủ ở trong chiến hào suốt nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Theo đó, họ ở trong điều kiện mất vệ sinh, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như kiết lỵ, dịch tả, thương hàn...
Những căn bệnh này có tốc độ lây lan khá nhanh. Thậm chí, không ít binh sĩ thường xuyên tiếp xúc với môi trường ẩm ướt khi ở chiến hào vào mùa mưa có thể khiến họ tổn thương mô ở chân. Một số trường hợp nghiêm trọng phải cắt cụt chi.
Thêm nữa, do chiến đấu suốt nhiều ngày ở chiến hào, đối mặt với sống - chết cũng như thường xuyên nghe âm thanh súng đạn, đạn pháo khiến không ít binh sĩ mắc rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
Theo ước tính, 1/10 lực lượng chiến đấu trong Thế chiến 1 thiệt mạng trong chiến tranh chiến hào.
Một số thống kê cho thấy Thế chiến 1 diễn ra từ năm 1914 - 1918, đã khiến hơn 16 triệu người thiệt mạng. Theo đó, Chiến tranh thế chiến 1 trở thành một trong những cuộc chiến đẫm máu, khắc nghiệt nhất thế giới.
Mời độc giả xem video: Bộ trưởng ngoại giao Nga cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (theo History)