Hé lộ 'mật danh' Ngôi sao Thần Nông dành cho GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng
Với gia sản khoa học lừng lẫy như tác giả lý thuyết hai hệ thống gen trong cây lúa, tác giả của các giống lúa mới chịu hạn, chịu úng, giàu protein… GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng được tôn vinh là 'Ngôi sao Thần Nông'.
GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng (1939-2008), cố Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam xuất thân trong một gia đình tri thức lớn (con của nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan và nữ sĩ Hằng Phương, em ruột nữ họa sĩ Giáng Hương).
GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng là "Ngôi sao Thần Nông" trong lòng người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng không đi tiếp con đường văn học nghệ thuật theo truyền thống gia đình mà trọn đời gắn bó với cây lúa, với các loại rau củ thiết thân của nền nông nghiệp. Mơ ước lớn nhất của ông là tạo ra những cánh đồng “vàng” giống như tên ông để đem lại ấm no cho người dân Việt Nam.
Với sự nghiệp đồ sộ: tác giả lý thuyết hai hệ thống gen trong cây lúa và hơn 50 công trình được công nhận cấp quốc gia, bao gồm các giống lúa mới thâm canh; các giống lúa chịu hạn; các giống lúa chịu ngập úng đầu tiên trên thế giới, quy trình kỹ thuật trồng khoai tây bằng hạt; chọn tạo các giống táo mới, giống vịt mới,… Ông được mệnh danh "Ngôi sao Thần Nông Vũ Tuyên Hoàng" trong lòng những người nông dân Việt Nam, người anh cả của nền khoa học nông nghiệp Việt Nam.
Từ lúa chiêm chuyển sang lúa mùa
Sau khi tốt nghiệp Đại học Hoa Nam (Trung Quốc) vào năm 1960, GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu lừng lẫy của mình tại Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
“Nghiên cứu lúa chiêm chuyển sang lúa mùa” là công trình lớn đầu tiên của GS.TSKH. Vũ Tuyên khi công tác tại Đại học Nông nghiệp I.
Vào thời đó, ý tưởng này đầy táo bạo. Cấp trên của ông, nhà nông học nổi tiếng thế giới Lương Định Của, cũng phản đối. Riêng ông vẫn cương quyết làm. Để thực hiện ý tưởng, một tháng GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng "lội ruộng 29 ngày”. Khi thấy ông lăn lộn trên ruộng để tạo loại lúa này, nhiều người tưởng ông là nông dân thực thụ.
Nghiên cứu thành công, nhờ đó nông nghiệp Việt Nam liên tiếp có thêm các giống lúa Đông Xuân 1, Đông Xuân 2, Đông Xuân 3, góp phần giải bài toán lương thực cho đất nước trong những năm 1960.
GS.TSKH Vũ Tuyên Hoàng.
PGS.TS. Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lúa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, ngày nay nông dân không còn dùng các giống lúa Đông Xuân của GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng, nhưng việc nghiên cứu tạo ra nó vẫn còn giá trị khoa học. Các giống lúa NN8 và nhiều giống khác đều được tạo ra từ thành quả đó.
Thuyết hai hệ thống gen trong cây lúa
Năm 1969, GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng sang Liên Xô học tập. Tại đây, thế giới đã vô cùng sửng sốt khi nhà khoa học trẻ Vũ Tuyên Hoàng đưa ra hai hệ thống gene trên quan điểm sinh học phân tử. Theo đó, một hệ thống gene của cây lúa kiểm soát sinh thực (tăng trưởng thân, lá…), một hệ thống kiểm soát dinh dưỡng. Nếu điều phối được hai hệ thống gene này, năng suất của cây lúa sẽ đạt mức “chạm trần”.
Giả thuyết này được Liên Xô sử dụng làm cơ sở khoa học để xây dựng quy trình thâm canh tăng năng suất lúa vùng Krasnodar rộng 200.000 ha.
Đánh giá về hướng nghiên cứu này, các nhà nông nghiệp cho biết, đó là một nghiên cứu chưa từng có trên thế giới thời điểm đó. Tại Việt Nam lý thuyết của hai hệ thống gen trong cây lúa làm cơ sở khoa học cho ngành di truyền học và chọn giống cây trồng.
Lúa thâm canh, chịu hạn, chịu ngập úng, protein cao
Sau khi rời Liên Xô về nước, GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng và các đồng nghiệp bắt tay vào phát triển giống mới, kỹ thuật canh tác và chuyển giao khoa học cho nông dân, tạo một cú hích mạnh để Việt Nam vượt qua tình thế ngặt nghèo về lương thực, tiến tới trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới bằng những giống lúa thâm canh, lúa chịu hạn, chịu ngập úng, lúa có hàm lượng protein cao.
Trong số hơn 50 công trình của GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng được công nhận cấp quốc gia, có các giống lúa thâm canh (Xuân số 2, NN 75 - 6…), giống lúa chịu hạn (CH5, CH133…), giống lúa chịu ngập úng đầu tiên trên thế giới (U14, U17…). Đặc biệt, các giống P4, P6… là những giống có lượng protein cao nổi tiếng đến mức nhận được giải thưởng quốc tế về lúa gạo. Với giải thưởng này, ông đứng trên cả ông tổ lúa lai của Trung Quốc là GS. Lê Long Bình.
GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng trên đồng ruộng.
Ngoài ra, GS. TSKH. Vũ Tuyên Hoàng còn xây dựng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, gieo thẳng lúa ở phía Bắc Việt Nam; thâm canh lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.
GS. Đào Xuân Thảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm khẳng định: Lúc ta còn thiếu lương thực, GS.TSKH Vũ Tuyên Hoàng chủ trương phát triển những giống cây có năng suất thật cao, chưa cần chú trọng đến chất lượng lắm. Sau khi vượt ngưỡng an ninh lương thực, GS. Hoàng chủ trương tạo những giống cây chất lượng thật tốt.
Theo GS. Đào Xuân Thảng trong 18 năm liền làm chủ nhiệm Chương trình Quốc gia về cây lúa, chủ nhiệm Chương trình cây lương thực và thực phẩm, nền nông nghiệp Việt Nam mang đậm “dấu ấn Vũ Tuyên Hoàng” góp phần đưa nước ta từ thiếu lương thực thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới.
Đến khoai, táo, vịt…
Nhìn lại sự nghiệp lừng lẫy của cố Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, các nhà khoa học đều thừa nhận, các công trình khoa học kỹ thuật của GS. TSKH. Vũ Tuyên Hoàng trải rộng trên nhiều đề tài, lĩnh vực trong sinh học - nông nghiệp, từ nghiên cứu di truyền sinh học phân tử đến gây tạo giống, từ các giống cây lương thực thực phẩm đến các giống cây rau quả.
Một tác phẩm nghệ thuật của cố GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng
Ngoài cây lúa, GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng cũng là người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu loại khoai tây trồng bằng hạt, khoai lang có hàm lượng tinh bột cao... Ngay như giống táo má hồng trồng rất nhiều trong Nam đã đẩy lùi giống táo Thái Lan cũng do ông và các cộng sự tạo thành.
Một kết quả khác ít ai biết đến là trên cơ sở lý thuyết đồng dạng, GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng đã tạo ra giống vịt “ông Hoàng” được bà con nông dân đánh giá cao...
Không chỉ làm khoa học, GS. TS.KH. Vũ Tuyên Hoàng còn là một nghệ sỹ đa tài. Ông có 20 tập thơ in chung và 1 tập thơ in riêng, khoảng 400 bài tản văn. Ông còn vẽ nhiều tranh chân dung, phong cảnh đăng tải trên một số tạp chí, tham gia một số triển lãm mỹ thuật.