Hệ lụy cực lớn khi sản xuất ô tô gặp khó

Cứ mỗi chiếc xe hơi, xe tải… không thể lăn bánh từ dây chuyền sản xuất ở Mỹ, Đức, Trung Quốc... sẽ có vô vàn người lao động bị thất nghiệp.

Họ có thể là những thợ mỏ đào quặng sắt tại Phần Lan, công nhân đúc lốp tại Thái Lan hay những nhân viên lắp ráp ô tô Volkswagen tại Slovakia.

Tác động của việc giảm năng xuất, thiếu hụt ô tô đang được cảm nhận trên toàn cầu, nhất là những quốc gia coi đây là ngành chủ đạo.

Hậu quả thất nghiệp kéo dài hàng năm

Ngành sản xuất ô tô chiếm khoảng 3% sản lượng kinh tế toàn cầu. Tại các quốc gia chuyên sản xuất ô tô như Đức, Mexico, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc hay ở bang Michigan (Mỹ), tỷ lệ này còn cao hơn.

Nữ Thị trưởng Eisenach (tóc ngắn) tham gia biểu tình cùng người dân. Ảnh: New York Times

Những làn sóng khủng hoảng thiếu chip bán dẫn khiến gần như tất cả các hãng sản xuất ô tô phải giảm ca làm, tạm thời đóng cửa dây chuyền sản xuất. Tác động từ đây có thể đủ để đẩy một số quốc gia vào suy thoái, tờ New York Times dẫn lời một số chuyên gia nhận định.

Tại Nhật Bản, nơi có 2 hãng sản xuất ô tô lớn là Toyota và Nissan, tình trạng thiếu hụt phụ tùng khiến kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Đây chính là minh chứng rõ nhất cho thấy tầm quan trọng của ngành sản xuất ô tô với nền kinh tế.

Ngoài ra, các nước phụ thuộc vào sản xuất ô tô còn chứng kiến ảnh hưởng lan rộng sang nhiều ngành khác.

Chẳng hạn, các hãng sản xuất ô tô lâu nay vẫn là đơn vị tuyển dụng lớn nhất trong khối tư nhân tại tất cả những địa phương họ có nhà máy nên chỉ cần một đơn vị sản xuất ô tô phải đóng cửa, địa phương đó lập tức cảm nhận được tác động trên diện rộng.

Hậu quả thất nghiệp từ các nhà máy sản xuất ô tô có thể kéo dài tới hàng năm, theo nghiên cứu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2019.

Thực tế diễn ra tại thành phố Eisenach (Đức) với 42.000 dân vừa có công ty Opel chuyên chế tạo xe SUV nhỏ Grandland phải đóng cửa từ tháng 10 là ví dụ.

Hiện tại, có khoảng 2.000 nhân viên làm việc tại nhà máy Eisenach và các nhà cung cấp liên quan phải nghỉ, chờ việc. Dù công ty Opel dự kiến đến đầu năm 2022 có thể khởi động sản xuất trở lại nhưng phía công nhân luôn nơm nớp lo sợ công ty sẽ đóng cửa vĩnh viễn nên dè dặt chi tiêu, tích cóp phòng trường hợp xấu.

Bà Katja Wolf, Thị trưởng thành phố Eisenach đã đích thân cùng người lao động biểu tình trước cửa nhà máy Opel. Bà Wolf cho biết, người dân địa phương không biết bao giờ nhà máy mới mở lại nên không dám chi tiêu và các doanh nghiệp tại địa phương cũng ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đã nghèo lại càng khó

Nhà máy sản xuất ô tô của Ford tại Dearborn, Michigan. Ảnh: New York Times

Bên cạnh đó, để giảm bớt tác động, một số nhà sản xuất chọn cách tăng giá xe, đẩy một phần khó khăn sang người mua.

Dù các hãng sản xuất ô tô như Ford và General Motors vừa thông báo kết quả doanh số, lợi nhuận giảm mạnh trong mùa hè nhưng vẫn lại tăng dự báo lợi nhuận trong cả năm. Daimler - nhà sản xuất ô tô Mercedes-Benz cho biết, lợi nhuận ròng của họ đã tăng 20% trong quý III dù lượng xe của công ty bán ra ít hơn 25%.

Việc tăng giá ảnh hưởng mạnh nhất tới những công nhân khốn khó muốn mua xe để làm việc hoặc những khách hàng phải thắt lưng buộc bụng mới có thể tậu được xe.

Để tăng lợi nhuận, đánh vào đối tượng sẵn tiền, không ngại tăng giá, nhiều hãng sản xuất ô tô chú trọng phân bổ số lượng chip hiếm hoi cho các phương tiện cao cấp và các loại xe sinh lời nhất. Đồng nghĩa, những loại xe giá bình dân phải xếp xó chờ dài. Giá cả xe ô tô cũ cũng tăng vọt vì thiếu xe mới.

Ông Ram Kidambi, đối tác của Công ty tư vấn Kearney có trụ sở tại thành phố Detroit (Mỹ) nhận định, các loại xe có biên lợi nhuận lớn như Ford-150 hoặc xe tải Chevy Silverado vẫn “ra lò” đều đặn trong khi các phương tiện có biên lợi nhuận thấp thì bị hạn chế.

Ngành sản xuất ô tô sụt giảm 210 tỷ USD

“Nguyên nhân khiến các hãng sản xuất ô tô phải đóng cửa, giảm năng suất là do vận tải biển tắc nghẽn, thiếu hụt trầm trọng nguồn chip bán dẫn và nhiều nguyên vật liệu khác như nhựa hay xốp để sản xuất ghế ngồi…, ông Dan Hearsch, Giám đốc điều hành văn phòng của Công ty tư vấn toàn cầu AlixPartners tại Detroit nhận định.

Theo ước tính của AlixPartners, tình trạng khủng hoảng hiện nay khiến năng suất ô tô toàn cầu trong năm 2021 giảm 7,7 triệu chiếc, ngành sản xuất ô tô sụt giảm 210 tỷ USD.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/he-luy-cuc-lon-khi-san-xuat-o-to-gap-kho-d531493.html