Hệ lụy khi lên mạng xã hội tố nhau

Việc bóc phốt, đả kích người lao động trên mạng xã hội và ngược lại không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh của cá nhân, tổ chức mà còn có thể bị xử lý hình sự

Mới đây, nhiều tài khoản mạng xã hội (MXH) đồng loạt chia sẻ bài đăng doanh nghiệp (DN) H. (quận Phú Nhuận, TP HCM) tố 2 thực tập sinh (TTS) hành xử thiếu chuyên nghiệp. Nội dung bài viết cho thấy Công ty H. quy định giữ lại 25 giờ lương cho tới khi 2 TTS này bàn giao xong công việc trước khi nghỉ việc. Song 2 nhân sự này không lên bàn giao theo cam kết, dù DN đã liên hệ nhiều lần.

Ảnh hưởng cả hai bên

Công ty H. cũng tố 2 TTS trên cấu kết, phá hoại tài sản chung (xóa bài đăng quảng cáo sản phẩm trên Fanpage và dữ liệu trên Google Drive), gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Mặc dù tính chính xác và mức độ thiệt hại của DN chưa được xác thực nhưng công ty đã tự ý đăng tải thông tin cá nhân của người lao động (NLĐ). Điều này khiến 2 nhân sự được nhắc đến nhận không ít lời thóa mạ từ người khác.

Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện các bài "bóc phốt" NLĐ hay NLĐ tố ngược DN trên không gian mạng. Anh Tr.V.T (25 tuổi, quê Hà Nam) cũng từng trong hoàn cảnh tương tự. Anh T. bắt đầu làm việc tại Công ty N. (kinh doanh mỹ phẩm, làm đẹp; ở TP Thủ Đức, TP HCM) từ tháng 12-2022. Nhưng do tính chất công việc không phù hợp nên tháng 4-2023, anh T. xin thôi việc.

Tháng 7-2023, do chưa nhận được lương tháng trước khi nghỉ, anh liên hệ công ty nhưng không được phản hồi hợp lý. Cuối cùng, T. quyết định lên MXH "bóc phốt" công ty nợ lương. "Đây là việc cực chẳng đã, là bước đi cuối cùng chứ tôi không hề muốn làm rùm beng" - anh T. nói.

Quản lý nhân sự các doanh nghiệp tham gia lớp đào tạo về xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc tại TP HCM

Quản lý nhân sự các doanh nghiệp tham gia lớp đào tạo về xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc tại TP HCM

Theo ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc điều hành Công ty CP Phát triển Nguồn lực quốc tế (TP Thủ Đức, TP HCM), những trường hợp trên cho thấy thực tế việc truyền đạt thông tin, kiến thức về pháp luật tới NLĐ vẫn còn khoảng trống. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân sự tại các DN hiểu luật chưa đầy đủ. Vì vậy, khi phát sinh tranh chấp lao động, NLĐ không biết bắt đầu từ đâu. Họ chọn giải pháp "bóc phốt" công ty lên MXH để giải tỏa ấm ức hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ.

Bình luận về 2 vụ việc trên, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe (quận 1, TP HCM), cho rằng tố cáo nhau trên MXH có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hai bên. Người sử dụng lao động công khai chỉ trích nhân viên cũ sẽ làm tổn hại đến thương hiệu tuyển dụng của DN. Thậm chí, từ đó lộ ra những điểm yếu trong công tác quản trị nhân sự, giảm uy tín công ty.

"Với ứng viên, những biểu hiện, hành vi tiêu cực trên MXH có thể tạo ấn tượng xấu trong mắt nhà tuyển dụng. Họ có nguy cơ bị xem như là những cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc rủi ro cao, từ đó hạn chế cơ hội nghề nghiệp của chính mình trong tương lai" - bà Thanh Nguyễn phân tích.

Coi chừng bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Các tình huống "bóc phốt" thường xảy ra sau khi nhân sự đã nghỉ việc tại công ty. Để hạn chế tình trạng này, theo bà Thanh Nguyễn, DN cần tuân thủ 3 nguyên tắc: hợp pháp, hợp lý, hợp tình trong quá trình chấm dứt hợp đồng lao động. Tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tránh vi phạm quyền và lợi ích của hai bên.

Khi quyết định "chia tay", cả hai phía nên thể hiện tinh thần sẵn lòng hỗ trợ và tôn trọng nhau. DN cần xem xét và thấu hiểu cho những khó khăn của NLĐ đã và đang đối mặt, bảo đảm việc chấm dứt hợp đồng lao động không gây tổn thương lớn đến tâm lý, tinh thần và nhất là danh dự, uy tín của họ. Ngược lại, NLĐ cũng nên hiểu và thông cảm với hoàn cảnh DN, hoàn thành trách nhiệm của mình trước khi rời đi. Tránh thái độ phản kháng "vô thức", "bản năng" gây tổn hại đến danh tiếng công ty cũng như thương hiệu cá nhân.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết nếu các thông tin đăng tải có dấu hiệu sai, bịa đặt, dối trá thì hành vi này đã vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật An ninh mạng 2018. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp gây thiệt hại phải tiến hành bồi thường theo quy định pháp luật. Tổ chức vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng tùy theo hành vi vi phạm, cá nhân vi phạm sẽ bị áp dụng mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt quy định. Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hoặc buộc gỡ bỏ các thông tin sai sự thật đã đăng tải.

Nếu vụ việc thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, tùy theo mức độ vi phạm, tính chất của hành vi sẽ bị xem xét phạm vào một hoặc một số tội danh theo quy định Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như: Tội làm nhục người khác, tội vu khống, tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông...

Có thể yêu cầu bồi thường

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường. Những thiệt hại này bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Căn cứ Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện. Vì thế, người bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể nộp đơn khởi kiện (trực tiếp hoặc qua bưu điện) kèm theo tài liệu, chứng cứ liên quan vụ việc đến tòa án có thẩm quyền để được xem xét.

Bài và ảnh: MÂY TRINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/he-luy-khi-len-mang-xa-hoi-to-nhau-20230808200434723.htm