Hệ lụy từ những vụ hành hung bác sĩ trong lúc cứu người: Cần có biện pháp mạnh để bác sĩ không phải đối mặt với hiểm nguy

Liên tiếp những vụ viêc hành hung bác sĩ xảy ra trong thời gian gần khiến nhiều người không khỏi lo lắng, việc hành hung bác sĩ sẽ dần trở thành vấn nạn đáng báo động nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ người bệnh, người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế. Đặc biệt những vụ việc tương tự cứ lặp đi lặp lại nhiều lần gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh của y bác sĩ… mà đối tượng thiệt thòi nhất chính là người dân.

Vụ hành hung bác sĩ gần đây nhất xảy ra vào lúc 21h ngày 27/7 tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM, bác sĩ Phạm Hoàng T. bị một người nhà bệnh nhi đẩy vào tường, bóp cổ khi đang đợi gắp xương cho bé gái.

Đối tượng hành hung bác sĩ làm việc tại cơ quan công an.

Đối tượng hành hung bác sĩ làm việc tại cơ quan công an.

Tại công an, người đã hành hung bác sĩ thừa nhận: “Tôi hối hận, do lo lắng về sức khỏe của con gái mình nên đã có hành động trên. Tôi xin lỗi bác sĩ T., cán bộ nhân viên bệnh viện, cộng đồng mạng cùng toàn thể các ban ngành, chức năng và mong muốn được tha thứ”.

Chia sẻ với PV, bác sĩ T. cho biết trong cuộc đời hành nghề y, anh chưa từng cấp cứu chậm trễ bệnh nhân. Anh luôn đảm bảo điều trị kịp thời, từ tình huống nguy kịch như ngừng tim, ngừng thở, dao đâm thấu tim, sắt đâm xuyên cổ, cho đến những ca suy hô hấp, bụng ngoại khoa, hay gãy xương hở, ngủ gà...

Theo VNN, chưa đầy 1 năm qua, bác sĩ này gặp không dưới 3 vụ tấn công. Thậm chí có cả phụ nữ chửi bới, hành hung để lại sẹo trên tay bác sĩ T. và đánh cả một điều dưỡng khác. Người nhà phải can và xin lỗi nhưng bệnh nhân vẫn la hét.

Tình trạng bất an này ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý nhân viên y tế Khoa Cấp cứu đến mức, gần 70% đồng nghiệp của bác sĩ T. đã nghỉ việc, chuyển công tác.

“Một điều thật đáng sợ là việc lăng nhục và hành hung nhân viên y tế đã trở thành thói quen của không ít người. Đến mức, những người dân có tri thức cũng sẵn sàng đánh đập, đe dọa một bác sĩ, điều dưỡng đã và đang làm tròn trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân. Thản nhiên, không một lời xin lỗi.

Khẩn xin mọi người cho toàn thể nhân viên y tế một môi trường làm việc an toàn, để chúng tôi cảm thấy yên tâm khi điều trị cho bệnh nhân. Nếu chúng tôi làm sai, đã có pháp luật, tòa án lương tâm trừng trị".

Người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ tại phòng khám . Ảnh: NLĐ

Người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ tại phòng khám . Ảnh: NLĐ

Cũng từng là nạn nhân của người nhà bệnh nhi nhân tấn công, bác sĩ Vũ Hồng Chiến, Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội Chia sẻ với PV Lao động, “Cháu bé không có tội, cháu bé không làm gì sai. Đúng hay sai là việc của cơ quan điều tra và việc của pháp luật. Tôi không thể nói là tôi đúng tôi sai, tôi nói không ai tin. Tôi rất tiếc vì camera không có tiếng. Khi dư luận xã hội không biết tin ai, người ta không tin bác sĩ, người ta tin những người khác hơn là người cứu chữa bệnh cho mình, nên tôi không muốn thanh minh với bất cứ ai”.

"Sau đó, nhiều người nhà khác bình tĩnh đến gặp và xin lỗi, tôi vẫn nói với họ: Chúng tôi vẫn sẽ khâu cho cháu, dù bố cháu có đánh tôi đi chăng nữa. Đây là điều tôi muốn làm". Những trải lòng chân thành của BS trẻ đã khiến cho nhiều người nể phục trước tinh thần của anh.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an hỗ trợ

Trước thực tại đó, ngày 9/8, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Công an nhằm tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện.

Một tình huống trong đợt diễn tập “Quy trình xử lý tình huống khẩn cấp về an ninh, trật tự bằng Code Grey” tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CAND

Một tình huống trong đợt diễn tập “Quy trình xử lý tình huống khẩn cấp về an ninh, trật tự bằng Code Grey” tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CAND

Theo đó, Bộ Y tế kính đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn điều tra xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội).

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo công an địa phương thực hiện nội dung Quy chế số 3 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc phối hợp để đảm bảo công tác an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế; Quy chế phối hợp số 36 giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội về bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ cũng cần chỉ đạo các đơn vị tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước các cổng bệnh viện. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn trang bị các thiết bị kỹ thuật bảo đảm an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực có bệnh viện lớn, có lượng người đến đông khám bệnh, chữa bệnh. Thiết lập, củng cố mạng lưới đường dây nóng của lực lượng Cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện trên địa bàn để kịp thời gọi và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cơ mất an ninh, trật tự.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/he-luy-tu-nhung-vu-hanh-hung-bac-si-trong-luc-cuu-nguoi-can-co-bien-phap-manh-de-bac-si-khong-phai-doi-mat-voi-hiem-nguy-172220810092659527.htm