Hệ miễn dịch 'bài binh bố trận' chống Covid-19 như thế nào?

Trong cuộc chiến chống virus SARC-CoV-2, hệ miễn dịch của con người có một vũ khí nòng cốt: Kháng thể.

Các protein hình chữ Y này đã trở thành tâm điểm chú ý hàng đầu, bởi các vắc xin ngừa Covid-19 hiện nay không sản xuất được đủ lượng kháng thể cần thiết để chống lại biến thể Omicron so với các chủng virus trước đó. Được "huấn luyện " nhờ vắc xin và cả sự lây nhiễm, các kháng thể bám vào protein gai trên bề mặt của SARS-CoV-2, ngăn nó xâm nhập vào tế bào và gây bệnh.

Dù vậy, kháng thể không phải "vũ khí" diệt virus duy nhất trong cơ thể người.

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Trên thực tế, "có một phản ứng phối hợp và tinh vi thực sự tuyệt vời nếu nhìn từ quan điểm tiến hóa", chuyên gia miễn dịch học Roger Shapiro tại Đại học Havard bình luận. Dưới đây là một số thành phần chính:

"Đội quân đánh bom rải thảm" của hệ miễn dịch

Chỉ trong vài phút và vài giờ sau khi virus đầu tiên xâm nhập tế bào, các protein tín hiệu sẽ phát cảnh báo để triệu tập các chiến binh của hệ thống miễn dịch "tự nhiên".

Có mặt đầu tiên là các bạch cầu trung tính (neutrophil), vốn chiếm tới 50-70% tổng số tế bào bạch cầu. Đội quân này ngay lập tức chiến đấu chống lại virus nhưng cũng nhanh chóng "hy sinh". Tiếp đó, các đại thực bào (macrophage) đói ăn kéo đến nuốt chửng mầm bệnh và tiết ra những tín hiệu quan trọng để huấn luyện các "đồng đội" thông minh hơn có tên gọi là các tế bào "sát thủ tự nhiên" và các tế bào "tua". Đội quân này lại truyền thông tin cho các chiến binh thiện nghệ hơn.

"Giống như kiểu đánh bom rải thảm toàn bộ khu vực và hy vọng sẽ gây tổn thất càng nhiều càng tốt cho kẻ xâm lược…, cùng lúc đó liên lạc với cơ quan đầu não để chuẩn bị sẵn sàng điều động các đơn vị đặc nhiệm", chuyên gia miễn dịch học John Wherry thuộc Đại học Pennsylvania, ví von.

Các tế bào B và T: Sĩ quan tình báo và sát thủ chuyên nghiệp

Nếu những kẻ xâm lược vẫn chưa bị đánh bại, hệ miễn dịch "thích nghi" sẽ vào cuộc. Vài ngày sau khi nhiễm virus, các tế bào B khéo léo đương đầu với kẻ thù và bơm ra kháng thể. Vắc xin cũng huấn luyện cho tế bào B – chủ yếu nằm bên trong các hạch bạch huyết ở nách, gần điểm tiêm trên cánh tay – sẵn sàng chiến đấu.

Ông Roger Shapiro ví chúng như các đặc vụ tình báo, nắm giữ thông tin sống còn về các mối đe dọa.

Các loại kháng thể mạnh nhất hoạt động giống như bã kẹo cao su, dính chặt vào đầu chìa khóa để ngăn nó mở cửa. Có những kháng thể khác ít bám dính hơn nhưng vẫn giúp chặn đường virus và lôi nó về phía các tế bào miễn dịch, hoặc kêu gọi giúp đỡ và tăng sức mạnh cho phản ứng tổng thể.

Đối tác then chốt của tế bào B là tế bào T

Chúng phân chia thành hai nhóm "yểm trợ" và "sát thủ".

Theo chuyên gia Shapiro, nhóm "sát thủ" có nhiệm vụ tấn công tế bào đã nhiễm virus, nhưng chúng cũng gây thiệt hại lớn cho các tế bào khỏe mạnh. Nhóm "yểm trợ" giống như các vị tướng, điều động quân, khuyến khích các tế bào B tăng công năng và điều hướng các đối tác về phía kẻ thù.

Ngăn bệnh trở nặng

Do protein gai đột biến cao độ, biến thể Omicron dễ dàng tránh né hệ miễn dịch bằng cách trung hòa các kháng thể do vắc xin tạo ra. Tin xấu là nó khiến người nhiễm dễ có triệu chứng. Tin tốt là các tế bào T gần như không dễ bị đánh lừa.

Chúng có "kính chiếu yêu" nhằm vào các tế bào nhiễm virus, và có thể tìm kiếm các bộ phận cấu thành của virus trong chu kỳ nhân lên, theo chuyên gia Wherry. Các tế bào T rất giỏi nhận biết các dấu hiệu của kẻ thù mà chúng từng chạm trán trước kia, kể cả khi virus có ngụy trang giỏi cỡ nào và đã qua mặt được các kháng thể.

Các tế bào T "sát thủ" thực hiện nhiệm vụ truy lùng và tiêu diệt, chọc thủng lỗ trong tế bào nhiễm bệnh khiến chúng bung ra, và kích hoạt phản ứng đưa các protein gây viêm được gọi là "cytokine" trên trận địa. Tùy thuộc vào tốc độ phản ứng, một người đã tiêm ngừa Covid-19 có thể bị nhiễm đột phá nhưng chỉ ở thể nhẹ, giống như cảm cúm thông thường chứ không trở nặng.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/he-mien-dich-bai-binh-bo-tran-chong-covid-19-nhu-the-nao-802788.html