Hệ quả chính trị và pháp lý

Bỏ phiếu bất tín nhiệm đưa đến những hệ quả pháp lý và chính trị quan trọng, tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia.

Giải tán Chính phủ, Quốc hội, bầu cử sớm

Kết quả phổ biến nhất của một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thành công là Chính phủ bị buộc phải từ chức. Toàn bộ nội các, bao gồm Thủ tướng và các Bộ trưởng phải từ nhiệm.

 Hạ viện Nhật Bản bác bỏ động thái bất tín nhiệm đối với Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida ngày 20.6.2024. Ảnh: Getty Images

Hạ viện Nhật Bản bác bỏ động thái bất tín nhiệm đối với Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida ngày 20.6.2024. Ảnh: Getty Images

Quá trình giải tán Chính phủ có thể đưa đến việc Tổng thống hoặc nguyên thủ quốc gia có thể giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử mới. Ví dụ, tại Anh, khi Chính phủ mất tín nhiệm, bầu cử sớm có thể được tổ chức để tái lập sự ổn định chính trị cũng như để bảo đảm tính chính danh của Chính phủ mới. Chẳng hạn vào ngày 28.3.1979, Hạ viện Anh đã thông qua kiến nghị bất tín nhiệm đối với Chính phủ Công đảng của Thủ tướng James Callaghan. Ngay sau đó, vào tháng 4.1979, Nữ hoàng Elizabeth II giải tán Hạ viện và cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5.1979 đã đưa đến sự chiến thắng của đảng Bảo thủ do bà Margaret Thatcher lãnh đạo. Cuộc bầu cử là chiến thắng đầu tiên trong 4 chiến thắng liên tiếp của Đảng Bảo thủ, và bà Thatcher trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Anh và châu Âu, đánh dấu sự khởi đầu của 18 năm cầm quyền của Chính phủ Bảo thủ.

Cũng như vậy, Điều 69 của Hiến pháp Nhật Bản năm 1947 quy định: “nếu Hạ viện thông qua nghị quyết bất tín nhiệm hoặc bác bỏ nghị quyết tín nhiệm, Nội các sẽ từ chức hàng loạt, trừ khi Hạ viện bị giải tán trong vòng 10 ngày”.

Trong một số trường hợp, thay vì bầu cử sớm, một Chính phủ mới có thể được hình thành bởi các đảng phái hoặc liên minh khác trong Quốc hội. Điều này thường xảy ra nếu một chính đảng khác có thể tập hợp đủ số phiếu để chiếm đa số và thành lập Chính phủ.

Thay đổi Thủ tướng hoặc người đứng đầu Chính phủ

Nếu cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhắm vào cá nhân Thủ tướng hoặc người đứng đầu Chính phủ, cá nhân Thủ tướng hoặc người đứng đầu cơ quan hành pháp có thể bị thay thế, nhưng Chính phủ vẫn giữ nguyên nếu có được sự ủng hộ của Quốc hội với người lãnh đạo mới.

Tại Slovakia, nếu Chính phủ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc không thành công trong một cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng phải thông báo bằng văn bản cho Chủ tịch Quốc hội về việc từ chức của mình hoặc của Bộ trưởng. Thông báo về việc từ chức phải được đưa vào chương trình nghị sự kỳ họp Quốc hội trong vòng 7 ngày sau khi nhận được thông báo.

Một tờ báo Anh đưa tin về sự kiện Chính phủ của Thủ tướng James Callaghan bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm năm 1979 và bầu cử nghị viện được triệu tập vào ngày 3.5.1979.

Một tờ báo Anh đưa tin về sự kiện Chính phủ của Thủ tướng James Callaghan bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm năm 1979 và bầu cử nghị viện được triệu tập vào ngày 3.5.1979.

Chẳng hạn Hiến pháp Đức quy định Bundestag chỉ có thể bày tỏ sự không tin tưởng của mình đối với Thủ tướng bằng cách bầu người kế nhiệm và yêu cầu Tổng thống bãi nhiệm Thủ tướng hiện tại. Tổng thống phải tuân thủ yêu cầu và bổ nhiệm Thủ tướng mới được Nghị viện bầu. Vào năm 1982, Nghị viện Tây Đức đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Tây Đức Helmut Schmidt và bầu ông Helmut Kohl làm Thủ tướng thay thế.

Thúc đẩy trách nhiệm giải trình

Không chỉ đưa đến những hệ quả pháp lý, mà từ hệ quả pháp lý, bỏ phiếu bất tín nhiệm còn đưa đến những ý nghĩa chính trị quan trọng. Đây có lẽ là tập quán Nghị viện quan trọng nhất ở các nước theo mô hình đại nghị, trong đó có Anh quốc, bởi lẽ theo mô hình này, số phận của Chính phủ phụ thuộc nhiều vào sự ủng hộ của đa số nghị sĩ.

Trong một cuốn sách nghiên cứu về hệ thống đại nghị, tác giả cho rằng, việc yêu cầu Chính phủ phải nhận được sự tín nhiệm của Hạ viện là nguyên tắc nền tảng của Hiến pháp. Cơ chế này được duy trì nhờ sự phụ thuộc vào Hạ viện để nhận được ngân sách và thông qua các dự luật do chính phủ trình. Đặc biệt, bỏ phiếu bất tín nhiệm càng quan trọng khi Chính phủ không chiếm đa số trong Hạ viện, hoặc khi có bất đồng trong nội bộ đảng cầm quyền. Trong những trường hợp như thế, Chính phủ buộc phải tìm kiếm sự ủng hộ từ các đảng khác, các nhóm nghị sĩ hoặc các nghị sĩ để giành phần thắng trong cuộc bỏ phiếu. Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào năm 1979 đối với Chính phủ của Thủ tướng Callaghan ở Anh là một ví dụ điển hình, khi đa số nghị sĩ bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc phải giải tán Nghị viện, dẫn đến thắng lợi của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử lại sau đó.

Một tác giả khác cho rằng, ý nghĩa thực sự của cơ chế này không phải ở chỗ Chính phủ có bị bỏ phiếu bất tín nhiệm hay không, mà ở chỗ, nó buộc mỗi Chính phủ phải bảo vệ mình bằng cách giải trình về các chính sách trước những nghị sĩ và trước các đảng đối lập, rộng hơn là trước cử tri cả nước.

Tuy nhiên, công cụ bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu bị lạm dụng cũng có thể gây bất ổn chính trị, đặc biệt nếu không có đảng phái nào có thể đạt được đa số hoặc các liên minh bị đổ vỡ. Điều này có thể dẫn đến các cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/he-qua-chinh-tri-va-phap-ly-post394491.html