Hệ sinh thái tiểu vùng sông Mekong đang bị đe dọa

Hệ sinh thái quan trọng sông Mekong đang chịu sức ép to lớn từ biến đổi khí hậu, các nguồn ô nhiễm và một làn sóng ô nhiễm nhựa đang ảnh hướng tới lưu vực sông.

Lưu vực sông Mekong đang có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước

Báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Thái Lan và Myanmar cho thấy, Chính phủ các nước đã có sự quan tâm, chú trọng và đưa ra nhiều nỗ lực, giải pháp trong công tác quản lý nguồn nước sông Mekong gắn với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, các báo cáo kiểm toán cũng phản ánh tình trạng suy thoái nguồn nước sông Mekong kèm theo những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, sinh kế, đời sống của người dân đã và đang diễn ra tại cả 3 quốc gia. Kết quả kiểm toán cho thấy chất lượng nước tại một số khu vực thuộc lưu vực sông Mekong đang có dấu hiệu ô nhiễm.

Tại Việt Nam, tình trạng chất lượng nước mặt, nước ngầm có dấu hiệu bị ô nhiễm vi sinh, nhiễm phèn và có độ mặn cao cũng đã xuất hiện tại một số địa phương. Đặc biệt là vào mùa khô và tại các khu vực thành thị, các KCN, nơi tập trung nhiều cơ sở chế biến, sản xuất hoặc các khu vực tiếp giáp biển.

Nguyên nhân được xác định có thể là do tác động từ hoạt động xả thải trong quá trình sản xuất, sinh hoạt cũng như tình trạng suy giảm lượng nước sông Mekong, dẫn đến thiếu nước ngọt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng tự làm sạch và rửa mặn tự nhiên của dòng sông.

Về lượng nước, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và Kiểm toán Nhà nước Thái Lan đều ghi nhận tình trạng thiếu nước tại các quốc gia này có xu hướng ngày càng gia tăng.

Trên cơ sở phân tích các số liệu đo đạc, thống kê về mực nước, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chỉ ra, lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về Đồng bằng sông Cửu Long đang có chiều hướng suy giảm, lượng nước năm 2020 thấp hơn 157 tỉ m3 so với cùng kỳ năm 2011; Lượng phù sa, bùn cát về từ thượng nguồn năm 2020 cũng giảm tương ứng 14 triệu tấn so với năm 2017.

Lưu vực sông Mekong đang có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước. (Ảnh: baogialai.com.vn)

Về sinh kế của người dân, Kiểm toán Nhà nước Thái Lan đánh giá “Hiệu ứng dòng nước đói” là nguyên nhân gây ra xói mòn và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, nhà ở của người dân dọc theo ven bờ sông, đồng thời đưa ra cảnh báo việc thiếu hụt phù sa cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hệ thống sinh thái trên sông. Kết quả khảo sát của Ủy hội sông Mekong quốc tế cho thấy, 79% hộ gia đình làm nghề nông và ngư nghiệp ở 8 tỉnh dọc theo sông Mekong bị giảm thu nhập do sự biến đổi của nguồn nước.

Các cơ quan kiểm toán nhà nước của 3 quốc gia đã đưa các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro và hệ quả của tình trạng suy thoái tài nguyên nước sông Mekong, kiến nghị những giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao trực tiếp đến Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

Các báo cáo cho biết, những kết quả và kiến nghị kiểm toán sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế và tăng cường tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý tài nguyên nước, gắn với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của từng quốc gia nói riêng và toàn thể cộng đồng lưu vực sông Mekong nói chung.

Ô nhiễm nhựa đe dọa sự sống của sinh vật trên sông Mekong

Dưới lòng nước và ẩn sâu, xung quanh lớp bùn lầy của sông Mekong là một thế giới động vật kỳ thú. Ở đây chúng ta có thể tìm thấy những con cá da trơn nặng tới 300 kg và có kích thước gần như chiều dài của một chiếc ô tô.

Có thể bắt gặp một con cá heo được biết là có thể giao tiếp với con người để điều phối các chuyến thám hiểm hay câu cá. Hoặc bạn có thể tình cờ gặp một điều gì đó hoàn toàn chưa được biết đến: từ năm 1997 đến năm 2014, hơn 2.000 loài mới đã được phát hiện ở Hạ lưu sông MeKong.

Ô nhiễm nhựa đe dọa sự sống của sinh vật trên sông Mekong. (Ảnh: baogialai.com.vn)

Nhưng hệ sinh thái quan trọng này đang chịu sức ép to lớn từ biến đổi khí hậu, các nguồn ô nhiễm và các nhà khoa học nghi ngờ, một làn sóng ô nhiễm nhựa đang ảnh hướng tới lưu vực sông.

Cá heo Irrawaddy, sống ở sông Mekong, là nạn nhân thường xuyên của việc vướng vào các dụng cụ đánh cá bằng nhựa. Nhưng những tác động rộng rãi mà nhựa đang gây ra đối với các loài sống trong và xung quanh các con sông là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Một nghiên cứu vào năm 2017 đã kết luận rằng 100% cá nước ngọt ở sông La Plata ở Nam Mỹ có vi nhựa trong cơ thể của chúng. Một số nghiên cứu khác cũng đã được thực hiện.

Các hóa chất được thêm vào nhựa - bao gồm cả những chất độc hại, như Bisphenol A - cũng rò rỉ ra môi trường tự nhiên cùng với các mảnh vụn nhựa. Ngoài ra, vi nhựa có thể hấp thụ hóa chất và kim loại nặng từ môi trường xung quanh và vận chuyển chúng đi xa hơn. Tác động đối với sức khỏe con người khi ăn phải vi nhựa thông qua động vật hoang dã, như cá và động vật có vỏ, vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy rằng các chất phụ gia nhựa được giữ lại trong nhựa biển và vi nhựa, sau đó được tiêu hóa và hấp thụ vào mô, nơi nó tích tụ.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/he-sinh-thai-tieu-vung-song-mekong-dang-bi-de-doa-61605.html