Hệ số CAR đang gây áp lực cho nhiều ngân hàng

Để hoàn thành mục tiêu tuân thủ các tiêu chuẩn của Basel 2 kể từ đầu năm 2020 theo quy định tại Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng sẽ phải đánh đổi bằng hiệu quả kinh doanh, ít nhất là trong năm 2020.

Mới có một phần ba hoàn thành

Tới thời điểm hiện tại, mới có 10 ngân hàng được NHNN công nhận hoàn thành việc tuân thủ các tiêu chuẩn Basel 2 theo quy định tại Thông tư số 41/2016, sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2020. Đó là các ngân hàng Vietcombank, VIB, TPBank, Techcombank, VPBank, MBBank, Ngân hàng Phương Đông (OCB), HDBank, ACB và MSB.

Việt Nam hiện có 35 ngân hàng thương mại, như vậy nếu loại trừ bốn ngân hàng đang trong diện phải tái cơ cấu đặc biệt (Oceanbank, CBBank, GPBank và Đông Á) thì vẫn còn tới 21 ngân hàng chưa hoàn thành Basel 2.

Hiện tại chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa là đến thời điểm Thông tư 41 chính thức có hiệu lực, trong khi 21 ngân hàng còn lại chưa biết sẽ đáp ứng được hay không. Có lẽ câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra hiện nay là liệu NHNN có nên tiếp tục trì hoãn việc các ngân hàng phải tuân thủ các tiêu chuẩn Basel 2 thêm một lần nữa, sau khi đã trì hoãn một lần vào năm 2018.

Số liệu của các ngân hàng công bố cho thấy, việc áp dụng tiêu chuẩn Basel 2 (thay vì tiêu chuẩn của Thông tư 36) đã khiến cho hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng này giảm đi đáng kể. Đây là nguyên nhân chính khiến cho nhiều ngân hàng chưa thể tuân thủ. Trong số năm ngân hàng công bố số liệu về CAR theo các tiêu chuẩn Basel 2, VPBank đang là ngân hàng có mức cao nhất 11,2%, trong khi hệ số này của VIB đã giảm mạnh, từ mức 12,9% xuống chỉ còn 9,2%.

Trong khi hai phần ba còn lại chưa biết sẽ trông vào đâu

Nhìn vào động thái hiện tại của các ngân hàng, có thể thấy khả năng tất cả 21 ngân hàng còn lại hoàn thành việc tuân thủ các tiêu chuẩn Basel 2 đúng hạn là rất thấp. Vì vậy, kịch bản dễ xảy ra nhất là một số ngân hàng sẽ tiếp tục được cho lùi thời hạn áp dụng, nhưng nếu điều này xảy ra thì hệ quả tiêu cực của nó cũng không nhỏ. Đó là uy tín, hình ảnh và đặc biệt là mức độ tín nhiệm của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Bởi lẽ, ngân hàng của nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia đều đã thực hiện theo các chuẩn mực của Basel 3, trong khi các nước phát triển đang trong lộ trình thực hiện theo Basel 4.

Để có thể hoàn thành việc tuân thủ Basel 2 đúng hạn, các ngân hàng buộc phải lựa chọn một trong hai cách hoặc đồng thời thực hiện cả hai.

Thứ nhất, phải tăng nguồn vốn tự có cấp 1 và/hoặc cấp 2. Với việc tăng nguồn vốn tự có cấp 1, có lẽ những ngân hàng nào có khả năng thì đã triển khai rồi, còn lại thì gần như rất khó. Nguyên do là việc huy động thêm vốn từ các cổ đông hiện hữu là rất khó trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang đối mặt với nhiều rủi ro.

Trong khi đó, với việc tăng nguồn vốn cấp 2 thì ngay cả những ngân hàng lớn như BIDV hay VietinBank cũng còn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bởi, nguồn vốn cấp 2 phải có thời hạn tối thiểu là năm năm. Do đó, ngay cả khi các ngân hàng đưa ra mức lãi suất cao, số lượng huy động được thông qua hình thức phát hành trái phiếu cũng rất hạn chế.

Thứ hai, các ngân hàng sẽ phải giảm bớt tài sản có rủi ro, đặc biệt là các khoản cho vay có hệ số rủi ro rất cao như cho vay bất động sản hay chứng khoán. Và có lẽ, hiện nay thì một số ngân hàng cũng đang phải lựa chọn giải pháp này. Nhận định này được đưa ra khi mà tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tính đến ngày 4-10-2019 mới chỉ ở mức 8,95%, thấp hơn so với con số khoảng 10,5% của cùng kỳ năm 2018. Hệ quả là nhiều ngân hàng thừa tiền nhưng không thể cho vay và buộc phải đầu tư vào tín phiếu của NHNN hoặc cho vay trên thị trường liên ngân hàng.

Áp lực về hiệu quả hoạt động sẽ đè nặng lên nhiều ngân hàng

Việc các ngân hàng có tuân thủ được quy định hiện nay của NHNN hay không vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, ngay cả khi các ngân hàng kịp hoàn thành nghĩa vụ theo một cách nào đó thì áp lực vẫn đè nặng lên khả năng tăng trưởng trong năm 2020, vì một số ngân hàng không đủ vốn hoặc chỉ vừa đủ vốn thì sẽ phải hạn chế tăng trưởng tín dụng hoặc giải ngân cho vay vào những lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp.

Mà những lĩnh vực hay doanh nghiệp có rủi ro thấp thì lợi nhuận biên (margin) các ngân hàng thu được cũng sẽ thấp, trong khi việc giảm lãi suất huy động, để qua đó ngân hàng có thể tăng mức lợi nhuận, trong bối cảnh hiện nay và thậm chí cả trong thời gian tới là rất khó.

Như vậy, hiệu quả kinh doanh của nhiều ngân hàng chắc chắn sẽ bị tác động tiêu cực trong năm tài chính 2020. Nhưng đây là câu chuyện không thể dừng lại, bởi NHNN đã có một lần lỗi hẹn và nếu càng để lâu thì rủi ro hệ thống sẽ càng lớn.

Do đó, cho dù một vài ngân hàng, hoặc thậm chí là cả hệ thống ngân hàng có phải đánh đổi kết quả kinh doanh trong năm 2020 để lấy việc tuân thủ yêu cầu về quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế, thì đây vẫn là cuộc đánh đổi có lợi cho cả ngành ngân hàng Việt Nam với những lợi ích rất lớn trong dài hạn.

Đông Hà

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/295487/he-so-car-dang-gay-ap-luc-cho-nhieu-ngan-hang-.html