Hệ thống ngân hàng Trung Quốc nhận bài học đắt giá
2 tháng sau khi Trung Quốc gây sốc với giới đầu tư bởi lần đầu tiên trong 2 thập kỷ tịch biên một nhà băng, những biến động bất thường tại thị trường tài chính quốc gia này đã dịu lại.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc Chính phủ Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Baoshang Bank Co vào ngày 24/5 và tuyên bố không thực hiện nghĩa vụ trả nợ của nhà băng cho một số chủ nợ là thông điệp khẳng định, sự bảo trợ của giới chức nước này đối với các ngân hàng trên thị trường đã chấm dứt.
Với diễn biến này, đánh giá rủi ro của giới đầu tư đối với các ngân hàng tại Đại lục bắt đầu có sự thay đổi sau một thời gian dài bị “làm ngơ” trong môi trường kinh doanh còn thiếu tính minh bạch tại đây. Bên cạnh đó, vụ tịch biên Baoshang Bank đã nhấn mạnh tới tính chất bất ổn của một số nhà băng nhỏ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, buộc hệ thống ngân hàng với định giá 40 nghìn tỷ USD tại đây phải tăng trưởng bền vững hơn và có sự phân biệt rõ ràng giữa nhà băng mạnh và yếu.
“Sau vụ việc của Baoshang Bank, tín hiệu tăng trưởng của hệ thống trong dài hạn là rất tích cực”, Jason Bedford, chiến lược gia tại UBS Group AG, một trong những người đầu tiên chỉ ra các vấn đề tại Baoshang Bank vào năm 2017 nhận định.
Trước đó, hệ thống nhà băng tại Trung Quốc thiếu sự phân biệt giữa tổ chức lớn và nhỏ, bởi cơ chế vận hành đặc thù: Vào thời điểm khó khăn, giới chức quản lý luôn đảm bảo ngay cả các nhà băng nhỏ nhất cũng có điều kiện để thực hiện mọi nghĩa vụ đối với người gửi tiền và các chủ nợ, cũng như có năng lực cho vay. Điều này khiến dòng tiền liên tục được bơm vào các nhà băng, bất chấp các chỉ trích cho rằng điều này sẽ tạo nên các khối nợ xấu khổng lồ và nguy cơ tăng trưởng không bền vững.
Hiện tại, với việc Baoshang Bank bị nhà nước thâu tóm và một số nghĩa vụ trả nợ bị hủy bỏ, các thành viên thị trường đều nhận thấy rằng, sự bảo hộ của chính phủ đối với các nhà băng không còn chắc chắn như trước.
“Chúng tôi tin rằng Chính phủ Trung Quốc vẫn có sự hỗ trợ đối với hệ thống ngân hàng, bao gồm các nhà băng nhỏ, tuy nhiên, phương pháp thực hiện đã có sự thay đổi”, Kelvin Pang, chiến lược gia tại Morgan Stanley Hồng Kông cho biết.
Đáng chú ý, một vấn đề vẫn chưa được cải thiện tại hệ thống tài chính Đại lục là sự thiếu minh bạch thông tin. Theo đó, giới chức quản lý không đưa ra các tín hiệu trước khi thâu tóm Baoshang Bank, khiến không ít nhà đầu tư xem đây là hành động có phần vội vàng. Việc thiếu thông tin dẫn đến các suy đoán như các nhà băng nhỏ đều trong tình trạng dễ tổn thương, làm ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà băng. Nhiều thành viên thị trường tài chính đã tự phòng vệ rủi ro bằng cách giảm nắm giữ các tài sản liên quan tới ngân hàng nhỏ.
Bên cạnh đó, tại thị trường giao dịch liên ngân hàng, các nhà băng lớn bắt đầu từ chối hợp tác với các nhà băng nhỏ, chỉ giao dịch với những đối tác tin cậy nhất. Khối lượng giao dịch liên ngân hàng đang giảm 43% trong 1 tuần kể từ khi Baoshang Bank bị thâu tóm, theo số liệu của JPMorgan Chase & Co.
Chưa kể, áp lực huy động vốn trên thị trường ngày càng rõ nét, khi khoảng cách lãi suất giữa các nhà băng có xếp hạng thấp và nhóm nhà băng Top đầu tăng lên mức cao nhất kể từ khi Bloomberg ghi nhận dữ liệu vào năm 2015.
Giới chức Trung Quốc đã xoa dịu tâm lý nhà đầu tư về việc đột ngột ngừng sự bảo hộ đối với các nhà băng bằng cách nhấn mạnh mối liên hệ giữa Baoshang Bank với vụ bê bối của Tomorrow Group và xem đây là một trường hợp đặc biệt. Đồng thời, bơm thêm 250 tỷ nhân dân tệ (36 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng để hạ thấp lãi suất cho vay.
“Mặc dù có những tổn thất, nhưng đây là lần đầu tiên việc một ngân hàng phá sản đã thực sự diễn ra trong gần 20 năm qua tại Trung Quốc. Việc thâu tóm Baoshang Bank được xem là bước đi lớn để tiến tới một hệ thống tài chính mang tính thị trường hơn”, Helen Huang, chiến lược gia tại HSBC Holdings Plc Hồng Kông cho biết.