Hệ thống theo dõi và đánh giá ngành công nghiệp: Cần xây dựng chiến lược cụ thể

Vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá (M&E) cho ngành công nghiệp sẽ giúp việc hoạch định chính sách phát triển ngành này đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiện, 'Việt Nam vẫn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ, hoàn chỉnh để theo dõi và đánh giá tiến trình trở thành nước công nghiệp' là chia sẻ của TS. Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương.

Ông có thể đánh giá về vai trò của công tác M&E cho ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng?

Cuối tháng 6/2019, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam và Bộ Công Thương đã tổ chức thành công khóa tập huấn quan trọng về xây dựng hệ thống M&E phát triển ngành chế biến, chế tạo. Khóa đào tạo đã cung cấp thêm những kinh nghiệm về xây dựng hệ thống M&E phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo theo chuẩn quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Từ kết quả của khóa đào tạo, các cơ quan của Việt Nam (chủ trì là Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan như Tổng cục Thống kê…) có thể tham khảo, xây dựng chiến lược phát triển và đưa vào vận hành hệ thống chỉ tiêu thống kê M&E ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng. Từ đó, có thể cung cấp đầy đủ, phong phú và hiệu quả hơn thông tin thống kê, phục vụ xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam hiệu quả hơn trong tương lai.

Thực trạng công tác thống kê công nghiệp phục vụ theo dõi, đánh giá phát triển ngành công nghiệp Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê là hai cơ quan chính phối hợp khá chặt chẽ với các bộ, ngành khác trong việc xây dựng và phát triển hệ thống chỉ tiêu M&E ngành công nghiệp, phục vụ khá tốt cho việc hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp.

Hiện nay, cơ sở dữ liệu M&E ngành công nghiệp có tại Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê và một số bộ, ngành khác khá phong phú, có thể cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, người dùng tin trong nước và quốc tế sử dụng để theo dõi, đánh giá và hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ, hoàn chỉnh về hệ thống M&E phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo để phục vụ hiệu quả cho công tác M&E ngành công nghiệp. Đặc biệt, chưa có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính xây dựng Bộ chỉ tiêu đánh giá "Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiêu chí trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong xây dựng hệ thống chỉ tiêu M&E phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả. Năng lực phát triển lĩnh vực này của Việt Nam còn hạn chế. Các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNIDO có vai trò quan trọng giúp Việt Nam xây dựng phát triển hệ thống theo dõi và đánh giá, tuy nhiên hoạt động hợp tác chưa nhiều, chưa được như kỳ vọng.

Việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu cho các ngành công nghiệp còn hạn chế

Việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu cho các ngành công nghiệp còn hạn chế

Thời gian tới, Việt Nam cần có những giải pháp gì để phát triển hệ thống M&E phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam?

Theo tôi, Việt Nam cần xây dựng chiến lược hoàn chỉnh về phát triển hệ thống M&E ngành công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo với đơn vị chủ trì là Bộ Công Thương, sự phối hợp của Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành khác. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức thống kê công nghiệp và nâng cao năng lực cho các công chức liên quan đến công việc phát triển hệ thống M&E ngành công nghiệp.

Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu (vi mô và vĩ mô) đầy đủ, hoàn chỉnh về M&E ngành công nghiệp, phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chính phát triển ngành công nghiệp Việt Nam trong tương lai, cũng như chia sẻ hiệu quả hệ thống chỉ tiêu M&E cho người dùng trong nước và quốc tế.

Cuối cùng, Việt Nam cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu riêng đánh giá "Nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Từ đó, phân công cụ thể bộ, ngành phụ trách, định kỳ tổ chức đánh giá tiến trình Việt Nam hoàn thành sự nghiệp "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", với sự hỗ trợ tích cực của UNIDO.

Xin cảm ơn ông!

Các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNIDO hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thường xuyên hơn nữa trong hợp tác phát triển công nghiệp Việt Nam nói chung và xây dựng phát triển hệ thống M&E nói riêng.

Thu Phương - Nguyễn Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/he-thong-theo-doi-va-danh-gia-nganh-cong-nghiep-can-xay-dung-chien-luoc-cu-the-122132.html