Hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân
Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn: 'Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân'. Lời căn dặn của Người bao hàm nhiều ý nghĩa lớn lao, sâu sắc, không chỉ là 'kim chỉ nam' cho công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn là yêu cầu tất yếu về tinh thần tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
Người cũng luôn nhấn mạnh: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Theo Người, nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân và mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng, mình vào Đảng là để làm đầy tớ cho Nhân dân chứ không phải làm “quan” Nhân dân... Khắc ghi lời dạy của Người, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác và đời sống, đó đây không phải là không còn có những cán bộ, đảng viên có biểu hiện xa dân, không xác định vai trò là người đầy tớ, công bộc của Nhân dân, không lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu cống hiến, còn hách dịch, cửa quyền, ảo tưởng quyền uy, gây khó khăn, nhũng nhiễu. Có những cán bộ, đảng viên không đề cao tinh thần, thái độ tận tụy phục vụ Nhân dân, thậm chí có lời nói, việc làm trái với chuẩn mực đạo đức, làm tổn thương đến Nhân dân, gây mất niềm tin của Nhân dân đối với cơ quan công quyền, với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc xa rời quần chúng Nhân dân làm ảnh hưởng đến sự nghiệp cách mạng, đến chủ trương, quan điểm “lấy dân làm gốc” của Đảng và Nhà nước.
Vì vậy, thiết nghĩ, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải chú trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thường xuyên quán triệt, bồi đắp đạo đức cách mạng, tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; lấy thước đo gắn bó với Nhân dân, hiệu quả phục vụ Nhân dân, mức độ hài lòng của người dân làm một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên, công chức, viên chức. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý, không để xảy ra các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, vòi vĩnh người dân trong quá trình thực thi công vụ, đặc biệt là trên những lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực...
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải thấm nhuần quan điểm của Đảng, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; luôn gắn bó mật thiết, gần dân, trọng dân, học dân, vì lợi ích của Nhân dân, lắng nghe tâm tư, tình cảm, kịp thời đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân.
Nỗ lực, phấn đấu, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”. Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... phải hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, lấy lợi ích của Nhân dân làm lợi ích cao nhất của mình.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/het-long-het-suc-phuc-vu-nhan-dan-221821.htm