Hết lòng vì sự nghiệp giáo dục

11 giáo viên huyện Hòn Đất (Kiên Giang) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Đây là vinh dự lớn và cũng là động lực để các thầy cô tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục để mỗi giáo viên là một gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo.

YÊU THƯƠNG HỌC TRÒ

Hơn 20 năm, cô Phạm Thị Thúy Kiều - giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Hòn Đất 1 (Hòn Đất) luôn dành trọn tình yêu thương và tâm huyết cho học trò. Năm 2002, tốt nghiệp ngành sư phạm, cô Kiều về công tác tại Trường Tiểu học Thổ Sơn 2 (Hòn Đất). Đây là trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn, có gần 50% học sinh dân tộc Khmer.

Cô Kiều cho biết: “Lúc đầu, tôi được phân công dạy lớp 1, phần lớn học sinh không được học qua mẫu giáo. Nhiều em buổi đầu đi học hay quấy khóc, có em nói tiếng Việt không rành, chưa biết cầm viết… Sau thời gian gắn bó với nghề, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm để các em thích đến lớp, thích các buổi học do tôi dạy. Thấy các em vui vẻ giao tiếp, thường kể cho tôi nghe những câu chuyện vui… là động lực lớn để tôi tiếp tục gắn bó với nghề”.

Cô Phạm Thị Thúy Kiều - giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Hòn Đất 1 trong giờ lên lớp.

Cô Phạm Thị Thúy Kiều - giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Hòn Đất 1 trong giờ lên lớp.

Gắn bó với học sinh, cô Kiều luôn tìm hiểu tâm lý lứa tuổi để có những phương pháp giáo dục thích hợp, yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ học sinh, động viên, khuyến khích các em cố gắng học tập. Mỗi năm học, 100% học sinh lớp cô Kiều đều lên lớp.

Thương học trò vùng khó khăn, thiếu thốn dụng cụ học tập, sách vở, cô Kiều tổ chức nhiều hoạt động tương thân tương ái, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ tập, xe đạp, quần áo… giúp học sinh nghèo có điều kiện đến trường. Hàng năm trường không có học sinh lưu ban và bỏ học, duy trì sĩ số đạt 100%, góp phần nâng cao chất lượng và tỷ lệ phổ cập giáo dục của đơn vị và địa phương.

Năm 2013, cô Kiều chuyển công tác về Trường Tiểu học thị trấn Hòn Đất 1 cho đến nay. Suốt quá trình công tác, cô Kiều luôn có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác giảng dạy; đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều năm liền, cô Kiều có các giải pháp hay về đổi mới phương pháp, hình thức dạy và học; sử dụng giáo án điện tử, vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực, phát triển năng lực học sinh. Nhờ vậy, cô đi đầu trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt và đạt được nhiều danh hiệu thi đua các cấp.

CỐNG HIẾN HẾT MÌNH

Từ nhỏ cô Lương Thị Việt Anh - giáo viên Trường Trung học cơ sở Sơn Kiên (Hòn Đất) mơ ước trở thành giáo viên. Sinh ra và lớn lên tại TP. Rạch Giá nhưng sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cô Việt Anh lại đăng ký về dạy tại các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh vì cô nghĩ những học sinh vùng khó khăn cần mình hơn. Năm 1997, cô Việt Anh được phân công về giảng dạy tại Trường Trung học cơ sở Sơn Kiên. Vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn cô gắn bó giảng dạy tại trường đến nay.

Cô Lương Thị Việt Anh (đứng) - giáo viên Trường Trung học cơ sở Sơn Kiên sinh hoạt cùng các giáo viên trong tổ chuyên môn.

Cô Lương Thị Việt Anh (đứng) - giáo viên Trường Trung học cơ sở Sơn Kiên sinh hoạt cùng các giáo viên trong tổ chuyên môn.

Cô Việt Anh nói: “Sinh viên trẻ mới ra trường với bao hoài bão và nhiệt huyết nên tôi đăng ký về công tác giảng dạy ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Thời điểm đó, trường còn khó khăn, cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy còn nhiều thiếu thốn và thiếu giáo viên nhiều môn. Ngoài dạy môn toán, tôi còn đứng lớp các môn vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý… Lúc đó, internet chưa phát triển, việc tìm tài liệu soạn giáo án cũng khó. Nỗ lực vượt khó, tôi mượn tài liệu từ các giáo viên khác soạn giáo án, giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản của các môn học”.

Cô Việt Anh cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục; hết mình vì học sinh thân yêu. Ngay từ đầu mỗi năm học, cô gặp gỡ, tìm hiểu, phân loại học sinh theo từng nhóm để có phương pháp giảng dạy, giáo dục phù hợp với khả năng nhận thức của các em. Với vai trò là tổ trưởng chuyên môn toán - tin và là giáo viên trực tiếp giảng dạy, cô Việt Anh tích cực tham mưu lãnh đạo trường, đề xuất các ý kiến nâng cao chất lượng giảng dạy. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động của tổ thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề, dự giờ, thao giảng, tạo cơ hội để bản thân và đồng nghiệp cùng trao đổi, học hỏi phương pháp giảng dạy.

Cô Việt Anh luôn đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy học, quan tâm các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; động viên học sinh tích cực tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; các cuộc thi qua mạng internet nhằm thúc đẩy các em hứng thú học tập, phát triển tư duy sáng tạo, rèn kỹ năng thực hành. Hơn 25 năm công tác, cô có 9 sáng kiến được Hội đồng xét duyệt sáng kiến huyện Hòn Đất công nhận và áp dụng vào giảng dạy.

Trong quá trình giảng dạy, cô Việt Anh quan tâm đến học sinh yếu, kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời giúp đỡ giúp học sinh tiến bộ, tích cực hơn trong học tập. Thầy Nguyễn Văn Huyên - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Sơn Kiên cho biết: “Cô Việt Anh là giáo viên có chuyên môn vững vàng, yêu nghề và tâm huyết, hết lòng với học sinh nên được phụ huynh và học sinh quý mến. Cô là gương sáng để thầy cô trong trường noi theo về tinh thần tận tụy với công việc, luôn tìm tòi, sáng tạo trong giảng dạy. Cô luôn hòa đồng, vui vẻ, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp”.

Bài và ảnh: HUỲNH ANH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/giao-duc/het-long-vi-su-nghiep-giao-duc-20559.html