Hiểm họa ung thư bủa vây người dân Ấn Độ

Chi phí điều trị ung thư cao do đầu tư công hạn chế đang đẩy nhiều gia đình vào vòng xoáy nghèo đói, nợ nần kéo dài qua nhiều thế hệ.

Sau khi Rajesh bị chẩn đoán ung thư miệng, Mohan, con trai ông đã phải bỏ dở việc học đại học để quản lý quầy bán dưa muối – nguồn thu nhập duy nhất của gia đình. Không lâu sau đó, Mohan phải đóng quầy để đưa cha lên Delhi chữa bệnh.

“Chúng tôi đã tiêu hết số tiền tiết kiệm ít ỏi để chữa bệnh cho bố ở quê. Giờ đây, gia đình chúng tôi đang nợ 2 lakh rupee (2.400 USD). Thậm chí, hôm nay tôi còn phải đi vay để có đủ tiền đưa bố đến bệnh viện”, Mohan chia sẻ trong khi chờ cha hoàn thành quá trình xạ trị tại một bệnh viện công.

Theo thống kê, cứ 9 người Ấn Độ thì có 1 người sẽ mắc bệnh ung thư trong đời. Năm 2022, Ấn Độ đã ghi nhận đến 1,4 triệu ca mắc mới, xếp thứ ba trên thế giới chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, cùng với chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh, con số này dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Siddharth Balasaheb (11 tuổi), bệnh nhân ung thư, đang ăn trưa trong căn nhà tạm bợ bên ngoài Bệnh viện Tata Memorial, Mumbai, Ấn Độ, vào ngày 4/3/2013. Ảnh: Danish Siddiqui

Siddharth Balasaheb (11 tuổi), bệnh nhân ung thư, đang ăn trưa trong căn nhà tạm bợ bên ngoài Bệnh viện Tata Memorial, Mumbai, Ấn Độ, vào ngày 4/3/2013. Ảnh: Danish Siddiqui

Với chi tiêu y tế công của chính phủ chỉ chiếm 1,5% GDP, người dân Ấn Độ chủ yếu phải tự trả tiền khám chữa bệnh (OOPE). Chi tiêu trực tiếp OOPE bao gồm chi phí y tế như phí khám, thuốc, và chi phí phi y tế như đi lại, ăn ở khi phải điều trị xa nhà. Chi tiêu gián tiếp OOPE là thu nhập bị giảm do nghỉ làm để chữa bệnh.

Khoảng 70% người dân Ấn Độ sống ở nông thôn, nhưng các cơ sở điều trị ung thư tập trung tại các TP lớn, buộc nhiều bệnh nhân phải di chuyển, làm tăng chi phí OOPE. Thêm vào đó, việc thiếu trung tâm điều trị ung thư công khiến nhiều người phải chọn bệnh viện tư, nơi có chi phí cao, đẩy nhiều gia đình vào cảnh nợ nần và nghèo đói.

Bà Afreen, đi từ làng cách 50 km, nói: “Tôi có 500 rupee (6 USD), đã tốn 200 rupee để đi lại, rồi phải mua thuốc ở ngoài mất thêm 200. Giờ chỉ còn 100 rupee, làm sao về nhà được?”.

Khi trụ cột gia đình mắc bệnh nặng, cuộc sống của cả gia đình sẽ bị đảo lộn hoàn toàn. Nhiều trẻ em buộc phải bỏ học để ở nhà chăm sóc người thân hoặc đi làm thêm để trang trải chi phí chữa bệnh. Ravi, có cha mắc ung thư miệng, chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi có thể mua nhiều trái cây, nhưng giờ đây, việc đảm bảo ba bữa ăn mỗi ngày cũng trở nên khó khăn’’.

Để đủ tiền chữa bệnh, nhiều gia đình phải vay mượn với lãi suất cao, cầm cố tài sản, thậm chí phải bán nhà cửa, và rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Hậu quả là các thế hệ sau cũng bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần này.

Trước tình hình ngày càng nghiêm trọng, Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình, và đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ y tế cho mọi công dân.

Năm 2018, Ấn Độ đã triển khai chương trình Ayushman Bharat Pradhan Mantri Jan Arogya Yojana (AB PM-JAY) nhằm hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân, cung cấp 500.000 rupee (6.000 USD) hằng năm cho mỗi gia đình để chi trả chi phí bệnh viện. Nhiều bang cũng thiết lập các chương trình hỗ trợ tài chính riêng.

Để giảm chi phí phi y tế, hãng hàng không Indian Railways và Air India đã cung cấp vé giảm giá cho bệnh nhân và người chăm sóc, trong khi đó, Himachal Pradesh và Haryana miễn phí xe buýt cho bệnh nhân ung thư. Các chương trình trợ cấp hưu trí hàng tháng tại Haryana, Tripura và Himachal Pradesh cũng góp phần bù đắp chi phí gián tiếp cho bệnh nhân.

Ngoài ra, Mạng lưới Ung thư Quốc gia, gồm các trung tâm ung thư, viện nghiên cứu, nhóm bệnh nhân và tổ chức từ thiện trên khắp Ấn Độ, đã giảm giá thuốc ung thư tới 82% nhờ mua chung 40 loại thuốc chống ung thư giá trị cao.

Bệnh viện và Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Cachar ở Assam cũng đã giảm chi phí bằng cách hỗ trợ chi phí điều trị, cung cấp chỗ ở, thực phẩm và tạo cơ hội làm thêm cho người nhà chăm sóc.

Để nâng cao hiệu quả điều trị ung thư, Ấn Độ cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng y tế công, đặc biệt là chẩn đoán sớm. Mặc dù các chương trình bảo hiểm y tế đã hỗ trợ một phần chi phí, tuy nhiên bệnh nhân vẫn phải gánh một khoản đáng kể. Do đó, Chính phủ cần mở rộng bảo hiểm bao gồm cả chi phí điều trị ngoại trú và đảm bảo các chương trình an sinh xã hội cho bệnh nhân ung thư và gia đình. Đặc biệt, hỗ trợ giáo dục cho con cái của bệnh nhân là giải pháp cần thiết để bảo vệ các thế hệ tương lai khỏi vòng xoáy nghèo đói, nợ nần.

Khánh Huyền

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hiem-hoa-ung-thu-bua-vay-nguoi-dan-an-do.html