Hiện đại hóa bộ phận một cửa, bước đột phá trong xây dựng chính quyền đô thị

Nhằm chuẩn hóa theo mô hình chính quyền đô thị, đồng thời khắc phục những bất cập từ thực tế trong giải quyết thủ tục hành chính, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định về 'Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp'.

Theo nhận định chung của các địa phương, Đề án sẽ kịp thời giải quyết những tồn tại hiện nay và xây dựng một quy chuẩn chung, đồng bộ cho bộ phận một cửa các cấp, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số và thay đổi tích cực trong tác phong, quy trình làm việc.

Tạo "thương hiệu" bộ phận một cửa hiện đại

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai đạt kết quả đáng ghi nhận trong công tác cải cách hành chính (CCHC), cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Tuy nhiên, TTHC trên nhiều lĩnh vực như đầu tư công, nội vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, hộ tịch, đất đai, quản lý tài chính… còn nhiều rào cản. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng bộ phận một cửa các cấp mới cơ bản dừng ở mức đáp ứng yêu cầu tối thiểu, chưa đạt tiêu chuẩn hiện đại.

Đề án được đánh giá sẽ kịp thời giải quyết những tồn tại hiện nay và xây dựng một quy chuẩn chung, đồng bộ cho bộ phận một cửa các cấp.

Đề án được đánh giá sẽ kịp thời giải quyết những tồn tại hiện nay và xây dựng một quy chuẩn chung, đồng bộ cho bộ phận một cửa các cấp.

Để khắc phục tình trạng trên đồng thời xây dựng một quy chuẩn, đồng bộ cho bộ phận một cửa tại các cấp trên địa bàn thành phố ngày một hiện đại gắn với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là yêu cầu cấp thiết và được Hà Nội xác định là một nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số, CCHC, đổi mới việc thực hiện một cửa, một cửa liên thông trong các năm tiếp theo.

Đề án triển khai sẽ góp phần tạo lập "thương hiệu" bộ phận một cửa hiện đại đồng bộ, làm thay đổi thái độ, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ, hướng tới nền hành chính phục vụ, giúp cơ quan hành chính Nhà nước có quan tâm đầu tư đồng bộ, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, thay đổi thói quen, cách nhìn của người dân trong mối liên hệ với cơ quan hành chính khi muốn giải quyết TTHC.

Thành phố thống nhất thực hiện sử dụng Bộ nhận diện thương hiệu theo quy chuẩn chung về màu sắc, kích cỡ, tên gọi trên các ứng dụng điện tử, ứng dụng văn phòng, trang phục và các thiết kế khác tại bộ phận một cửa và hệ thống thông tin giải quyết TTHC, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ, nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ công chức tại bộ phận một cửa thông qua các dịch vụ công trực tuyến...

Sớm hoàn thiện để đạt được hiệu quả cao

Việc thực hiện đề án trên, theo đánh giá của nhiều cán bộ trên địa bàn thành phố là có nhiều thuận lợi, bởi đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã đề xuất phân cấp, ủy quyền 700 TTHC, đạt 39,17% tổng số TTHC cấp thành phố và cấp huyện, trong khi Thủ tướng chỉ giao 20%. Đồng thời, nhiều đơn vị đã có sáng kiến trong giải quyết TTHC để tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước, điển hình có thể kể đến các mô hình như Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn, các TTHC không chờ, ngày thứ Sáu xanh…

Theo nhận định của lãnh đạo một số phường trên địa bàn Hà Nội, việc UBND các phường thực hiện “Các TTHC không chờ” đã giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, cùng với sự kết hợp với sự đổi mới trong đề án lần này chắc chắn sẽ giúp bộ phận một cửa hoạt động hiệu quả hơn trong công tác phục vụ người dân.

“Một bất cập hiện nay là thủ tục thực hiện bảo trì, nâng cấp thiết bị máy móc cho bộ phận một cửa còn rườm rà, đặc biệt chưa có quy chế phân cấp, ủy quyền nên khi thiết bị hỏng thì việc sửa chữa gặp khó khăn. Cơ quan chức năng cần quan tâm sớm tháo gỡ cho cơ sở”.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa

Tại quận Long Biên, sau khi nắm bắt được tinh thần của Đề án, Phòng Nội vụ quận đã có văn bản, họp quán triệt triển khai các nội dung đến toàn bộ các phường trên địa bàn quận.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nội vụ quận, đây là đề án về mô hình bộ phận một cửa mới nên trước tiên cần thống nhất về nhận thức thì triển khai trong thực tế mới chuẩn xác, đồng bộ.

“Việc triển khai Đề án này rất thuận tiện cho các quận, huyện để có thống nhất chung, song trên cơ sở Đề án, các quận, huyện có thể chủ động triển khai một số mô hình mới, hoàn thiện dần. Quận Long Biên cũng muốn áp dụng một số mô hình đang triển khai rất tốt ở các địa phương. Chẳng hạn, nếu triển khai mô hình "Văn phòng khu vực" thì một số TTHC thực hiện sẽ giảm tải được nguồn nhân lực và tập trung hơn cho cơ sở”, bà Hằng chia sẻ.

Nhiều cán bộ công chức trên địa bàn Hà Nội cũng cho rằng, với những điểm mới trong Đề án, cần có giải pháp cụ thể để đáp ứng đặc thù từng quận, huyện và có cải tiến, áp dụng trong thực tiễn thì sau khi triển khai Đề án 1 - 2 năm sẽ đánh giá, hoàn thiện các mô hình và sẽ rất hiệu quả.

Với những TTHC bổ sung mới triển khai, cán bộ công chức chưa gặp vướng mắc lớn, song về lâu dài Hà Nội cần bổ sung cho bộ phận một cửa cấp phường một công chức có chuyên ngành tư pháp nhiều hơn để tiếp nhận được hồ sơ.

Thành phố cũng cần tuyên truyền đến người dân nhằm có chia sẻ trong những ngày xảy ra trục trặc sự cố không mong muốn.

Đại diện các cấp chính quyền cũng đề nghị Thành phố sớm hoàn thiện phần mềm số hóa để cấp quận, phường triển khai một cách hiệu quả nhất.

Đăng Khôi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/hien-dai-hoa-bo-phan-mot-cua-buoc-dot-pha-trong-xay-dung-chinh-quyen-do-thi-1089344.html