Hiện thực hóa khát vọng chấn hưng văn hóa dân tộc

Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, mà soi chiếu vào đó, thế hệ hôm nay thấy rõ hơn thách thức, định hướng phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

Kim chỉ nam phát triển văn hóa

Tháng 2.1943, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn chưa ra đời, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội), rồi áp dụng vào thực tế cách mạng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của văn hóa đã được thế hệ lãnh đạo tiền bối của Đảng sớm nhìn thấy và đặc biệt coi trọng trong đường lối cách mạng.

“Trong thời điểm năm 1943, nước ta gặp rất nhiều khó khăn, bị đế quốc Pháp, phát xít Nhật xâm lược, các luồng văn hóa ngoại lai lấn át, nhưng văn hóa Việt Nam đã có cương lĩnh quan trọng mà trong 80 năm qua vẫn giữ nguyên giá trị” - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh tại họp báo giới thiệu các sự kiện, hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam sáng 22.2.

Có thể nói trong lịch sử dân tộc, lần đầu tiên Việt Nam có bản Đề cương, xác định con đường phát triển của văn hóa Việt Nam với nền tảng lý luận chặt chẽ, hệ thống và các nguyên tắc hành động trong bối cảnh nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ và không ít thách thức. Đề cương xác định văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa); đưa văn hóa Việt Nam tới trình độ dân chủ và có tính chất dân tộc hoàn toàn độc lập dựng nên một nền văn hóa mới; ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa nước Việt Nam trong giai đoạn này là Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa... Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, các luận điểm này đã được Đảng ta đúc kết cô đọng, chính xác, định hướng một cách đúng đắn, làm nền tảng phát triển văn hóa.

Không chỉ có giá trị vào thời điểm ra đời, những tư tưởng của bản Đề cương vẫn mang ý nghĩa thời đại, là kim chỉ nam, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

“Đề cương về văn hóa Việt Nam có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, và từ đó đến nay, các luận điểm, quan điểm trong đó vẫn tiếp tục được Đảng ta khẳng định, hiện thực hóa. Và những thành tựu văn hóa đạt được ngày nay dựa trên nhiều quan điểm từ bản Đề cương này” - Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.

Cần có giải pháp để văn hóa phát triển, trở thành sức mạnh mềm quốc gia. Ảnh: VN+

Cần có giải pháp để văn hóa phát triển, trở thành sức mạnh mềm quốc gia. Ảnh: VN+

Vận dụng giá trị của Đề cương với khát vọng hiện đại

Trải qua nhiều thời kỳ, tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tạo sự chuyển động, thay đổi và đưa văn hóa Việt Nam càng ngày càng hướng tới phát triển bền vững. Nhận định như vậy, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội, tiềm năng khi sở hữu truyền thống văn hóa 4000 năm với nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nhiều giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, lại ở thời điểm dân số vàng, với nhiều người trẻ có thể chuyển hóa giá trị văn hóa truyền thống với sự sáng tạo, khoa học công nghệ... để một lần nữa văn hóa trở thành một mặt trận.

“Khi xưa, cố Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định văn hóa là một mặt trận, ngang hàng với chính trị, kinh tế, thì ngày nay văn hóa sẽ trở thành mặt trận ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa chính là nguồn mạch để chúng ta phát triển đất nước bền vững hơn, bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa hiển thị qua các sản phẩm, dịch vụ; phát huy nội lực để văn hóa trở thành sức mạnh mềm trong sức mạnh tổng thể quốc gia, định vị sức mạnh Việt Nam trên bản đồ quyền lực của thế giới trong lĩnh vực văn hóa…” - PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương nói.

Để làm được như vậy, cần vận dụng giá trị, nguyên tắc của Đề cương với hơi thở, khát vọng hiện đại, để phát huy tinh thần dân tộc, định vị bản sắc dân tộc trong nước và trên trường quốc tế, thể hiện sự kết nối giữa khoa học và nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo, tiêu dùng văn hóa đại chúng. Đồng thời, nếu coi văn hóa là một mặt trận, thì cần có sự đầu tư để biến văn hóa trở thành trụ cột, trở thành ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi.

Từ khởi nguồn của Đề cương, động lực gì để hiện thực hóa khát vọng chấn hưng văn hóa dân tộc, văn hóa trở thành mũi nhọn, một trụ cột gắn liền với trụ cột phát triển kinh tế, chính trị, xã hội? Đặt ra câu hỏi này, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, phát triển văn hóa không phải trách nhiệm của riêng ngành văn hóa, mà là sự phối hợp đồng bộ các cấp, các ngành và toàn xã hội. Cần đi sâu làm rõ, tập trung vào giải pháp để phát triển văn hóa trong giai đoạn tới. Chẳng hạn, Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 xác định phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm. Như vậy, cần có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, hợp tác công tư, luật về thuế, ưu đãi cho nghệ sĩ, tạo sự dịch chuyển sáng tạo trong chuỗi phát triển của ngành công nghiệp văn hóa...

Bên cạnh đó, có giải pháp để văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam được coi là một trong số ít quốc gia giàu có nguồn tài nguyên văn hóa, nhưng đến nay các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mới chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nghĩa là ở mức trung bình của thế giới. “Điều gì khiến văn hóa chưa phát huy được thế mạnh của mình? Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đưa ra mục tiêu phát triển nền văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung, thể hiện tinh thần dân tộc, khoa học, đại chúng, để có thể định vị văn hóa Việt Nam với thế giới... Câu hỏi đó, mục tiêu, nguyên tắc đó còn nguyên giá trị mà ngày hôm nay chúng ta tiếp tục đi tìm câu trả lời” - PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Những điều này sẽ được bàn thảo, tìm ra giải pháp thông qua hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” cũng như các hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam diễn ra trong thời gian tới.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8Bhien-thuc-hoa-khat-vong-chan-hung-van-hoa-dan-toc-i316908/