Hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng xanh

Ngoài việc thu hút vốn từ nước ngoài, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý, đến giai đoạn sau năm 2030, tập trung cho phát triển hệ thống tích trữ năng lượng, điện gió ngoài khơi quy mô lớn.

Dự án điện gió ngoài khơi Veja Mate do CIP phát triển trên thế giới. Ảnh: BNEWS

Dự án điện gió ngoài khơi Veja Mate do CIP phát triển trên thế giới. Ảnh: BNEWS

Tại Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố “sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ… để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thực hiện cam kết này, đến năm 2050, Việt Nam cần thêm nguồn vốn khổng lồ, khoảng 100 tỷ USD cho thích ứng biến đổi khí hậu, 373 tỷ USD để đưa mức phát thải về 0 vào năm 2050.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, tổng công suất các nhà máy điện năm 2030 đạt 120.995 – 145.930 MW và năm 2045 đạt 284.660- 387.875 MW; trong đó, nhiệt điện than đạt 37.467 MW vào năm 2030 và giữ nguyên cho tới năm 2045; nguồn điện gió trên bờ đạt 11.700 – 16.121 MW vào năm 2030 và đạt 36.170 MW – 55.950 MW vào năm 2045; điện gió ngoài khơi đạt 7.000 MW vào năm 2030 và đạt 30.000 – 64.500 MW vào năm 2045…

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho hay, so sánh kết quả quy hoạch nguồn điện của dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới đây với phương án trình trước COP26 cho thấy, năm 2045, công suất nguồn điện than đã giảm khoảng 23.400 MW, công suât sử dụng khí LNG giảm khoảng 24.350 MW; trong khi đó điện mặt trời tăng 33.000 MW, điện gió trên bờ tang khoảng 23.000 M và điện gió ngoài khơi tăng 28.500 MW.

Cũng theo ông Hoàng Tiến Dũng, nhờ việc phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện nên lượng phát thải CO2 của phương án phát triển điện lực rà soát sau Hội nghị COP26 đã giảm mạnh. Phát thải CO2 sẽ đạt đỉnh vào giai đoạn 2031-2035 ở mức 231 triệu tấn, sau đó giảm dần, đến 2050 ước tính phát thải CO2 từ sản xuất điện còn khoảng 40 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0.

Ngay sau sự kiện COP26, Tập đoàn Đan Mạch Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) đang quản lý các Quỹ năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới cũng đã công bố chiến lược và lộ trình đầu tư hơn 110 tỷ USD vào năng lượng xanh đến 2030.

Theo Ông Niels Holst, Giám đốc Quỹ Thị trường mới của CIP: “Net Zero là mục tiêu tham vọng và không hề dễ dàng. Những thách thức về biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có những hành động nhanh chóng và thống nhất ở cấp độ toàn cầu. Không chỉ là tham vọng của các Chính phủ mà đây cũng chính là tham vọng của các doanh nghiệp; trong đó có CIP”.

Mới đây nhất, vào tháng 8/2022, quỹ Chuyển dịch Năng lượng CI I (CI Energy Transition Fund I) của Tập đoàn CIP cũng đã nhận được sự quan tâm rất lớn và huy động được định mức vốn tối đa là 3 tỷ EUR, trở thành quỹ hydro sạch chuyên dụng lớn nhất trên toàn cầu. Quỹ này sẽ đầu tư vào các công nghệ năng lượng tái tạo thế hệ mới như công nghệ “Power to X” quy mô công nghiệp.

CIP cho hay, đây là công nghệ lưu trữ, chuyển đổi và sử dụng năng lượng điện dư thừa từ năng lượng tái tạo, điển hình là năng lượng mặt trời và gió; hứa hẹn đóng góp vào tiến trình giảm mạnh carbon tại nhiều ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, hàng không, vận chuyển hàng hải, sản xuất thép và chất hóa học.

Tính đến nay Tập đoàn CIP đã huy động thành công 10 quỹ đầu tư với số vốn quản lý hơn 19 tỷ USD phục vụ các hoạt động đầu tư, nghiên cứu, và triển khai các công nghệ tái tạo tiên tiến trên toàn cầu, bao gồm điện gió ngoài khơi, các công nghệ “Power to X” dạng hydro và ammonia xanh, cùng các công nghệ lưu trữ năng lượng, đảo năng lượng và truyền tải điện.

Trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, CIP đang là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn trên thế giới với danh mục đầu tư, phát triển và xây dựng hơn 38 GW tại nhiều thị trường trên toàn cầu như Mỹ, Anh, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam… Có thể kể đến như Dự án Changfang Xidao 600 MW tại Đài Loan với số vốn huy động 3 tỷ USD, lớn nhất trong các dự án điện gió ngoài khơi tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại thời điểm năm 2020; Dự án điện gió ngoài khơi Vineyard 800 MW có mức thỏa thuận tài chính hơn 2,3 tỷ USD vào tháng 9/2021…

Ông Stuart Livesey,Giám đốc Quốc gia của COP tại Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ông Stuart Livesey,Giám đốc Quốc gia của COP tại Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Theo đại diện Tập đoàn CIP, đơn vị này đang đồng hành cùng Tập đoàn Cophengagen Offshore Partners (COP) – để phát triển, quản lý xây dựng và vận hành các dự án điện gió ngoài khơi một cách chuyên biệt.

Điểm đặc biệt của các dự án do hai tập đoàn này đầu tư và phát triển tại các thị trường nước ngoài là việc chú trọng chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm cho các đối tác tại địa phương, đảm bảo về lâu dài các đối tác này có thể tự vận hành và phát triển tiếp dự án; đồng thời sử dụng các dịch vụ sẵn có tại địa phương để góp phần tăng tỉ lệ nội địa hóa.

Theo bà Trần Hồng Việt, Phụ trách Năng lượng, khí hậu và tăng trưởng xanh, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Đan Mạch và các nước phát triển trên thế giới có sự quan tâm lớn tới chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, đơn cử như Tập đoàn Cophengagen Offshore Partners đang triển khai dự án điện gió ngoài khơi Lagan 3,5 GW; đồng thời đang tích cực tìm kiếm các cơ hội phát triển các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn ở các tỉnh thành khác tại Việt Nam.

Để đạt được tham vọng giảm phát thải về 0 năm 2050, bà Trần Hồng Việt cho hay, ngoài việc Việt Nam có các chính sách thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài thì việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cũng rất quan trọng. Đến giai đoạn sau năm 2030, các chính sách tập trung cho phát triển hệ thống tích trữ năng lượng, phát triển điện gió ngoài khơi quy mô lớn; sản xuất hydro xanh và các nhiên liệu điện phân khác…

Để thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thế giới phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam thì quy mô của thị trường với các mục tiêu phải đủ lớn, lộ trình rõ ràng, chính sách phù hợp.

Để thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thế giới phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam thì quy mô của thị trường với các mục tiêu phải đủ lớn, lộ trình rõ ràng, chính sách phù hợp.

Cũng theo chia sẻ của ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của COP tại Việt Nam, kiêm tổng giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, những thách thức mà Chính phủ Việt Nam sẽ phải đối mặt để có thể hoàn thành những cam kết tại COP26 là rất lớn. “Chúng tôi mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc chống biến đổi khí hậu với sự sẵn sàng về cả công nghệ lẫn nguồn tài chính để có thể triển khai những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn. Tuy nhiên, bên cạnh sự sẵn sàng của doanh nghiệp, rất cần sớm có khung khổ pháp lý hoàn thiện để giúp khởi tạo thành công ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Việt Nam hiện đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư điện gió ngoài khơi và thị trường này cũng đang mở ra nhiều cơ hội phát triển. Do vậy, việc sớm có hành lang pháp lý cùng phương án lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực chuyên môn, sẵn sàng nguồn vốn dồi dào sẽ giúp Việt Nam có nhiều thuận lợi trong tiến trình khởi tạo và phát triển ngành công nghiệp này"./.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hien-thuc-hoa-muc-tieu-chuyen-dich-nang-luong-xanh/264141.html