Hiện thực hóa ý tưởng nhân văn

Giải pháp đầy tính nhân văn giúp chấm dứt nỗi ám ảnh của người đi đường với loại phương tiện tiềm ẩn rủi ro, đồng thời, thể hiện tầm nhìn xa trong quản lý đô thị...

Con số phương tiện mang nguy cơ mất an toàn khi lưu thông trên đường chỉ từ tháng 7 tới nay vừa được Công an TP HCM công bố khiến nhiều người suy nghĩ.

Xe tự chế, chở hàng thiếu an toàn được kỳ vọng sớm chấm dứt Ảnh: TRẦN THÁI

Xe tự chế, chở hàng thiếu an toàn được kỳ vọng sớm chấm dứt Ảnh: TRẦN THÁI

Theo đó, 2.000 trường hợp được phát hiện vi phạm chở hàng cồng kềnh; 3.600 phương tiện kéo theo thùng lôi; 1.400 xe "mù", xe "mờ"; 775 trường hợp sử dụng biển số giả hoặc không gắn biển số…

Còn theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động trong nhiều lần theo chân lực lượng chức năng, lý do những tài xế xe trên viện ra là cuộc sống khó khăn trong khi xe tự chế lại dễ kiếm, dễ đổi nên họ thường "tặc lưỡi" sử dụng.

Lý do ấy kéo theo một loạt hệ lụy khi vừa gây mất an toàn trên đường, rủi ro cho chính họ… còn khiến công tác quản lý phương tiện của lực lượng chức năng khó khăn.

Để giải quyết câu chuyện này, tại họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM cuối tuần qua, Công an TP HCM đưa ra một loạt giải pháp.

Theo đó, bên cạnh việc tuyên truyền, siết xử lý những cơ sở chế xe… thì đáng chú ý nhất, đó là tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn chuyển đổi sinh kế phù hợp, gồm người đang sử dụng các loại xe tự chế vi phạm quy định pháp luật để tham gia giao thông.

Giải pháp đầy tính nhân văn trên nếu thành hiện thực sẽ rất tốt. Nó giúp chấm dứt nỗi ám ảnh của người đi đường với loại phương tiện tiềm ẩn rủi ro, sự liều lĩnh của nhiều tài xế lấy lý do vì miếng cơm manh áo mà bất chấp. Đồng thời, thể hiện tầm nhìn xa trong quản lý đô thị.

Ngọc Kỳ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hien-thuc-hoa-y-tuong-nhan-van-196240901201911855.htm