Hiện tượng kỳ quái làm đau đầu nhân loại: Tảng đá bị cắt đôi thẳng tắp từ thời cổ đại nhưng không ai hiểu lý do vì sao
Vết cắt thẳng tắp, hoàn hảo chia đôi tảng đá Al Naslaa ở Arab Saudi khiến người ta đau đầu giải mã.
Có rất nhiều giả thuyết nổi lên về nguồn gốc của sự hình thành tảng đá Al Naslaa, nhưng nguồn gốc của hiện tượng địa chất kỳ quái này vẫn là một bí ẩn.
Tọa lạc tại Ốc đảo Tayma của Arab Saudi - nơi định cư lâu đời nhất của con người ở quốc gia này - Al Naslaa là 2 khối đá sa thạch kép, đứng cân bằng trên một bệ đỡ nhỏ - với khoảng trống trơn nhẵn thẳng tắp chạy dọc giữa chúng, chính xác đến mức trông như thể nó được chia tách bằng một chùm tia laze như trong phim viễn tưởng.
Các nhà khoa học không thể giải thích chính xác làm thế nào mà lại có vết cắt 4.000 năm tuổi đó, nhưng dù gì nó cũng tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ cho cặp đá này, bên cạnh những bức tranh khắc đá cổ.
Một trong những dấu chỉ đáng chú ý nhất được chạm khắc trên đá sa thạch là hình ảnh một người đang dắt con ngựa Arabian, một trong những giống ngựa lâu đời nhất thế giới vẫn còn tồn tại có nguồn gốc từ Arab Saudi hàng nghìn năm trước, trước cả khi Al Naslaa được tác động bởi bàn tay con người.
Giả thuyết về nguồn gốc vết cắt
Những tảng đá cân bằng hoàn hảo này là chủ đề của nhiều nỗ lực lý giải từ những người tò mò, khi có người còn cho rằng nó chỉ có thể được tạo ra bởi người ngoài hành tinh. Thậm chí người ta còn tranh cãi nghiêm túc xem đây có phải thành quả của một nền văn minh tiên tiến ngoài vũ trụ hay không.
Ý kiến khác lại cho rằng đó là các vị thần. "Một số người tin rằng đây là sự sáng tạo của các vị thần cổ đại hoặc người ngoài hành tinh. Cho rằng sự hình thành trông như thể nó bị cắt bởi một tia laze được ngắm bắn chính xác, họ cho là người ngoài hành tinh đã xuống Tayma Oasis và phá vỡ tảng đá bằng công nghệ tiên tiến" - theo tờ Acerca del Mundo.
Những người khác tin rằng tảng đá nằm trên một đường đứt gãy địa chất. Lý thuyết này cho rằng sự phân tách trong nó được tạo ra khi một điểm yếu của tảng đá gốc bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi các mảng kiến tạo. Lý giải này có phần khoa học hơn, nhưng cũng chưa có bằng chứng xác thực.
Một giả thuyết khác cho rằng một "khớp" bên trong tảng đá có thể đã bị nứt ra. Khe nứt đó là một khu vực bên trong tảng sa thạch, bị mài mòn và sau đó tách ra thành hình dáng lớn hơn ta thấy ngày nay. Đáng chú ý, các khớp được tìm thấy trong những tảng đá sa thạch tương tự Al Naslaa có nhiều khả năng cho thấy sự phân tách theo chiều dọc, củng cố giả thuyết này.
Theo giả thuyết thứ 3, một chu kỳ thời tiết đóng băng - tan băng có thể được cho là sự hình thành Al Nalsaa. Nếu nước thấm vào tảng đá cổ khi nó vẫn còn nguyên một mảnh, sau đó đóng băng và nở ra; rồi tan đi, một vết nứt sẽ hình thành và cuối cùng chia đôi tảng đá.
Một gợi ý thú vị khác là tác giả của nó không ai khác ngoài người cổ đại. Bằng chứng cho thấy một nền văn minh cổ đại chưa từng được biết đến đã khắc tranh lên chúng, vì vậy có thể chính những người này đã sử dụng công cụ để chia tảng đá thành 2 mảnh lớn, có lẽ như một tác phẩm nghệ thuật.
Dù lý do có thể là gì, không loại trừ khả năng vết cắt ban đầu vốn rất thô, nhưng qua thời gian và sự mài mòn của gió, cát, thiên nhiên đã khiến nó trở nên đẹp mắt như vậy - đừng coi thường sức mạnh sáng tạo của tự nhiên.
Nguồn: HSW