Hiệp định EVFTA: Cơ hội và thách thức
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (gọi tắt là EVFTA). Hiệp định này được thông qua đã mang lại cơ hội cũng như thách thức đối với nhiều doanh nghiệp tại Khánh Hòa.
Mở ra nhiều triển vọng
Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (ngày 1-8), EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ gần 100% biểu thuế quan, mở cửa thị trường trong thời gian ngắn, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn cho tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam. Hiểu một cách đơn giản, nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các nước châu Âu sẽ được miễn, giảm thuế và người Việt cũng có cơ hội sử dụng các sản phẩm đến từ châu Âu với mức giá thấp hơn nhiều so với hiện tại.
Đối với các DN tại Khánh Hòa, 2 mặt hàng chủ lực được hưởng lợi nhiều nhất là thủy sản và dệt may; trong tương lai gần, mặt hàng đồ gỗ và nhiều nông sản khác cũng có cơ hội để mở rộng thị trường. Đối với lĩnh vực dệt may, hiện nay có Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Công ty Cổ phần May Cam Ranh, Xí nghiệp may Khatoco… là những đơn vị có sản phẩm tiêu thụ ở thị trường châu Âu nhiều nhất. Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, cơ hội để tăng kim ngạch xuất khẩu càng cao hơn và khả năng vượt mức 100 triệu USD trong năm 2020 là hoàn toàn có cơ sở (năm 2019 đạt gần 80 triệu USD). Với việc chủ động về nguyên liệu, có lực lượng lao động dồi dào, lành nghề, các DN dệt may có lợi thế rất lớn.
Trong khi đó, thủy sản và một số mặt hàng nông sản khác sẽ nâng được sức cạnh tranh, gia tăng giá trị khi thuế quan sẽ được giảm về 0%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh mỗi năm đạt khoảng gần 600 triệu USD, chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu của ngành Nông nghiệp tỉnh. Toàn tỉnh có 44 DN tham gia xuất khẩu thủy sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành, trong đó có nhiều DN lớn như: Công ty TNHH Hải Vương, Công ty CBXK F17, Công ty TNHH Hải Long, Công ty TNHH Thịnh Hưng, Công ty TNHH Tín Thịnh… Được hưởng lợi trực tiếp từ hiệp định thương mại tự do sẽ là một cú hích lớn đối với các DN xuất khẩu thủy sản.
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Hiệp định EVFTA là lợi thế cho mặt hàng xuất khẩu của Khánh Hòa như dệt may, cà phê... Đặc biệt là thủy sản, hiện nay, cá ngừ bị đánh thuế tại EU là 21%, các thủy sản khác 9 - 15%, và theo lộ trình sẽ giảm về 0% là điều kiện rất tốt”. Ở chiều ngược lại, các DN trong tỉnh cũng có cơ hội được nhập khẩu nhiều dòng máy móc, thiết bị tốt hơn, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở ra nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm… và đặc biệt là nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường thế giới.
Tăng thách thức
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, EVFTA đặt ra không ít thách thức, nhất là các yêu cầu về phi thuế quan, các rào cản kỹ thuật. EU là thị trường khó tính, nên các yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc với nông sản hay những quy tắc xuất xứ với các sản phẩm dệt may, da giày… phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Trong khi đó, năng lực sản xuất của các DN trong tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Khi hiệp định có hiệu lực, thị trường được rộng mở, DN sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn trong sản xuất đơn hàng. Với những đơn hàng lớn, nếu không đáp ứng yêu cầu từ thị trường châu Âu, thiệt hại sẽ không hề nhỏ. Để chinh phục được thị trường khó tính này, ngoài việc cải thiện công nghệ, chất lượng sản phẩm, đòi hỏi sự chủ động của các DN.
Ông Vương Vĩnh Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa cho biết, để tiếp cận được thị trường EU, các DN cần khẳng định được sự phát triển sản phẩm về nguyên liệu, xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm, kể cả về cạnh tranh với các nước khác. Theo đánh giá của các bộ, ngành trung ương, EVFTA sẽ giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 44,4% vào năm 2030 so với không có hiệp định và tạo cú hích rất lớn cho nền kinh tế. Song, vấn đề tận dụng được lợi thế mà hiệp định mang lại hay không là câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu DN không có những bước chuyển mình nhanh chóng dưới sự hỗ trợ của Chính phủ thì không những không nắm được cơ hội mà còn bị những thách thức tạo ra áp lực nặng nề hơn.
Ông Phan Thanh Liêm - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN Khánh Hòa cho biết, với 98% DN trong tỉnh thuộc diện nhỏ và vừa, việc gặp bất lợi trong hội nhập quốc tế cũng là điều dễ hiểu. Song, chính vì nhận thức được những khó khăn trước mắt, nhiều DN buộc phải thay đổi. Các công ty cần phải đầu tư để thay đổi máy móc, dây chuyền sản xuất và thậm chí là chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh mang tính khép kín, nhằm giúp sản phẩm đạt chuẩn để thuận lợi khi xuất khẩu. Đối với cộng đồng DN, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa, cần nâng cao khả năng kết nối giữa các DN trong và ngoài tỉnh, giữa trong nước với các nước khác để tạo thành chuỗi cung ứng tốt và có kế hoạch sản xuất lâu dài; phải kiên trì và chấp nhận thay đổi để thích ứng với hội nhập.
Đình Lâm