Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Thời cơ và thách thức

LTS: Nghị viện châu Âu vừa chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dự kiến khi hiệp định này có hiệu lực (tháng 7-2020) sẽ mở ra những cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa của nước ta. EVFTA đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví như là 'tuyến đường cao tốc hiện đại nối Việt Nam với châu Âu'. Tuy nhiên, để đi được và đi nhanh trên 'tuyến đường' này, đòi hỏi từ nhà quản lý đến cộng đồng doanh nghiệp cần có những giải pháp hiệu quả nhằm tận dụng tốt thời cơ, vượt qua những thách thức.

Bài đầu: Thị trường lớn nhưng “khắt khe”

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn, có GDP hơn 18.000 tỷ USD. Đây cũng là khu vực có sức mua cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, thị trường này cũng hết sức "khó tính", đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam muốn tiếp cận phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật khá khắt khe của các quốc gia EU mới tận dụng được những lợi ích của EVFTA mang lại.

Cơ hội mở rộng thị trường

EU hiện là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Do vậy, EVFTA được thực thi sẽ giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới. Cụ thể, EVFTA có nội dung chủ yếu là xóa bỏ hàng rào thuế quan; với gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ có thuế suất bằng 0%. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại, được mở rộng xuất khẩu vào một thị trường có 500 triệu người tiêu dùng...

EVFTA sẽ giúp tăng tính cạnh tranh và nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp dệt may. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại Xí nghiệp May veston Hà Nội thuộc Tổng công ty May 10 (phường Sài Đồng, quận Long Biên). Ảnh: Trần Việt

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, khi EVFTA có hiệu lực, cơ cấu sản phẩm, hàng hóa giữa EU và Việt Nam không trực tiếp đối kháng mà trái lại còn bổ sung cho nhau. Cụ thể, EU sẽ cắt giảm 85% dòng thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Sau đó 7 năm, 99% dòng thuế cũng được miễn giảm. Điều đó có nghĩa là hàng của nước ta "rộng cửa" sang EU, nhất là khi các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn với một số thị trường truyền thống. Đồng thời, nước ta cũng có cơ hội nhập về những sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm xuất xứ cũng như các yêu cầu khác theo thông lệ và quy định khắt khe từ EU.

Cụ thể hơn, EVFTA sẽ mang lại lợi ích vượt trội cho các ngành nghề như: Dệt may, giày dép, hàng nội thất, đồ da và nông sản… Những mặt hàng nói trên đã có bề dày hơn 20 năm xuất khẩu vào EU nên phần lớn doanh nghiệp Việt đã có kinh nghiệm và vị trí nhất định. Ngoài ra, một khi đã xuất khẩu được vào EU đồng nghĩa với việc có thể xuất khẩu vào tất cả các thị trường khác trên thế giới bởi đó là tấm “giấy thông hành” có giá trị cao nhất.

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - Công ty cổ phần, EU là thị trường xuất khẩu chính, với doanh thu xuất khẩu đạt 35% trên tổng doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp. Khi đi vào thực hiện, EVFTA sẽ giúp tăng tính cạnh tranh và nhiều cơ hội mới với kỳ vọng doanh thu xuất khẩu sẽ tăng thêm 10%-15%, dự kiến đạt 45% tổng doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, với lĩnh vực nông nghiệp, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhận định, EVFTA sẽ mở ra thị trường giàu tiềm năng cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường này thường xuyên có nhu cầu nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD giá trị nông sản mỗi năm và dư địa cho hàng nông sản Việt đang còn rất lớn…

Thách thức phía trước

Cùng với những cơ hội, EVFTA cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước hàng loạt thách thức, trong đó, việc thực thi các cam kết trong hiệp định này về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật... Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái, EVFTA cũng đặt ra cho ngành dệt may một số thách thức. Đơn cử như trước đây ngành dựa vào lợi thế chi phí lao động thấp và đã phát triển khá nhanh. Nhưng hiện nay, mức độ cạnh tranh của ngành dệt may rất gay gắt trên quy mô toàn cầu, nhất là EU yêu cầu sản phẩm xuất khẩu phải chứng minh được nguồn gốc vải đầu vào xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU trong khi nhiều doanh nghiệp của ta thường nhập nguyên, phụ liệu từ các nước ngoài EU.

Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) luôn đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm giày, dép xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh: Trần Việt

Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự chuẩn bị đủ mức để biến cơ hội thành kết quả kinh doanh. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm thỏa đáng đến nội dung của EVFTA; điều này có thể tự làm mất cơ hội của chính mình. Theo kết quả điều tra của VCCI, khoảng 70% doanh nghiệp chưa tìm hiểu về EVFTA.

Cũng cần lưu ý rằng, EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm, mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó (ví dụ không được dùng hải sản từ đánh bắt bất hợp pháp; không được sử dụng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên xuất khẩu mà chưa được phép). Vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần tìm hiểu quy định của EU về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, mức độ an toàn của sản phẩm, xuất xứ hàng hóa, quy tắc đã thỏa thuận về lao động, môi trường...

Từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, EU là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi thực hiện EVFTA, một thách thức có thể xảy ra là gian lận thương mại. Vì được hưởng những lợi ích hấp dẫn nên khả năng gian lận thương mại và việc làm giả xuất xứ Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này không chỉ gây tổn hại doanh nghiệp có sai phạm mà còn tổn hại đến cả cộng đồng doanh nghiệp. Đơn cử, nếu có một doanh nghiệp làm giả quy tắc xuất xứ thì EU có thể áp đặt biện pháp chống gian lận thương mại cho cả một ngành công nghiệp.

Những thách thức đang đặt ra đòi hỏi cả các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp sớm có những giải pháp hữu hiệu để vượt qua khó khăn, tận dụng lợi thế của EVFTA tiến vào thị trường EU.

(Còn nữa)

Sơn - Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/958766/hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam---eu-evfta-thoi-co-va-thach-thuc