Hiểu đúng về đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai

Việc đánh thuế bất động sản cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng với mục tiêu tạo ra của cải, giá trị gia tăng cho xã hội, tránh gây ra những hậu quả không mong muốn...

 Đánh thuế bất động sản cần được xem xét kỹ lưỡng

Đánh thuế bất động sản cần được xem xét kỹ lưỡng

Việc đánh thuế bất động sản thứ hai đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và các nhà hoạch định chính sách. Đề xuất này nhằm mục tiêu điều tiết thị trường bất động sản, giảm tình trạng đầu cơ và tạo cơ hội tiếp cận nhà ở cho người dân.

ĐÁNH THUẾ KHI ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC ĐẾN THỊ TRƯỜNG

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, việc áp thuế hay thắt chặt tín dụng với bất động sản, chỉ xem xét sử dụng khi có những hành vi gây ảnh hưởng thiếu tích cực đến thị trường.

Còn người mua nhà thứ 2, thứ 3 hoặc nhiều hơn nhưng sử dụng đúng mục đích, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội thì là hành vi tích cực, nên được khuyến khích, tạo điều kiện.

Những ngày gần đây, dư luận đang nóng lên với đề xuất đánh thuế với người sở hữu ngôi nhà thứ 2, ông Đính cho rằng, thông tin này đúng là khiến nhiều người lo lắng vì mọi người sẽ đặt ra câu hỏi: Tôi mua để ở, cho con cái tôi, để kinh doanh vì sao lại đánh thuế?

Quan điểm của ông Đính về vấn đề này rất rõ ràng, thuế là công cụ để điều tiết hành vi, không làm xấu thị trường, không phải người dân cứ đi mua bất động sản thứ 2 là bị siết bởi những công cụ này.

Hiểu đơn giản là nếu một người có 2 - 3 bất động sản, thậm chí nhiều hơn và đều đưa vào sử dụng, đúng chức năng, mục đích sử dụng của từng loại hình bất động sản thì đều là quyền lợi chính đáng.

“Ví dụ như tôi mua bất động sản cho con khi tôi có tài chính và bất động sản có mức giá phù hợp. Trong quá trình chưa sử dụng, tôi cho thuê để ở hoặc kinh doanh. Khi đó bất động sản của tôi lại phục vụ quỹ nhà mà người dân có nhu cầu và nộp thuế cho ngân sách nhà nước.

 TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Hoặc, khi có 2 - 3 căn nhà, tôi có thể cho thuê làm cơ sở y tế tại những nơi thiếu dịch vụ y tế, làm làm nhà trẻ, siêu thị mini tại những khu vực có nhu cầu về các dịch vụ này mà chưa được đáp ứng. Đây là những hành vi chính đáng, cần được hỗ trợ vì giúp tạo ra dịch vụ thiết yếu tại những nơi hạ tầng còn thiếu. Đây cũng là cơ sở để tạo thêm việc làm cho nhiều ngành nghề, làm lợi cho xã hội, đóng thêm thuế vào ngân sách nhà nước”, ông Đính phân tích.

Vị Chủ tịch VARS nhấn mạnh, dù với sắc thuế nào, thì mục đích lớn nhất cần hướng tới là tạo ra của cải, giá trị gia tăng cho xã hội. Việc đánh thuế bất động sản cần được xem xét kỹ lưỡng dựa trên nguyên tắc đó.

Bên cạnh đó, hiện nay có một số ý kiến cho rằng, việc đánh thuế bất động sản thứ 2 có thể giúp giảm giá nhà và tạo điều kiện cho người lao động có khả năng mua nhà. Tuy nhiên, theo ông Đính, cách hiểu này là chưa toàn diện.

Bởi lẽ, hiện nay, việc giá nhà tăng, nguyên nhân chính yếu là do cán cân cung cầu bị lệch. Nguồn cung thì quá yếu, thiếu tính đa dạng và phù hợp với số đông người dân, trong khi lực cầu lại rất lớn.

“Điều cần kíp nhất, chúng ta phải làm để có thể tác động giúp giá bán được điều chỉnh về mức phù hợp hơn, chính là căn chỉnh lại cán cân cung cầu, để cho cung có cơ hội tịnh tiến dần lên, cho đến mức sát với cầu. Chỉ khi đó, giá bán mới có cơ hội được điều chỉnh”, vị chuyên gia đưa ra đề xuất.

Muốn vậy thì nguồn cung phải được giải phóng. Các dự án đang tắc nghẽn cần phải thông, các dự án mới cần được khởi động. Có như vậy cốt lõi vấn đề mới được giải quyết, người dân lao động mới có khả năng tiếp cận đất đai, nhà ở thuận lợi hơn. Vì sở hữu bất động sản hay kinh doanh bất động sản đều là những quyền lợi hết sức chính đáng của người dân.

Nếu mọi người hiểu chưa đúng và áp dụng việc tính thuế với bất động sản thứ hai một cách cứng nhắc chắc chắn sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường. Bởi lẽ chính sách này vô hình trung sẽ khiến “sức mua bất động sản” ngay lập tức bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm xuống vì tâm lý “cân nhắc, tính toán” của người dân.

Điều này, khiến thị trường mới chớm hồi phục ngay lập tức sẽ bị chững lại, thậm chí tiếp tục rơi vào trạng thái khó khăn. Khi thị trường bất động sản khó khăn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt các ngành nghề khác và cả nền kinh tế nói chung

BỘ VÀO CUỘC

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 5333/BXD-QLN gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình giá bất động sản. Trong đó, Bộ Xây dựng yêu cầu cần nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn để kiếm lời đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế...

Tại cuộc họp báo ngày 27/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ hoàn toàn đồng tình với đề xuất này. Ông Chi nhấn mạnh đề xuất này rất đáng tiếp thu và nghiên cứu.

 Bộ Tài chính đồng ý với đề xuất đánh thuế bất động sản của Bộ Xây dựng

Bộ Tài chính đồng ý với đề xuất đánh thuế bất động sản của Bộ Xây dựng

"Cần suy nghĩ theo hướng một cách tổng thể và toàn diện làm sao xây dựng được một thị trường bất động sản minh bạch, phát triển bền vững", Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Riêng về chính sách thuế, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, nếu chỉ riêng chính sách này sẽ không đáp ứng được sự toàn diện, mục tiêu cuối cùng không đạt được. Các chính sách khác như đất đai, quy hoạch, tài chính… cũng phải đồng bộ.

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề đánh thuế bất động sản được đưa lên bàn cân. Trước đó, việc đánh thuế đã được Bộ Tài chính đề cập tại dự thảo Luật Thuế nhà, đất 2009, mức 0,03% với nhà trên 500 triệu đồng. Đến năm 2019, tiếp tục lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế tài sản với 2 phương án về ngưỡng đánh thuế nhà, trên 700 triệu hoặc 1 tỷ đồng, tương ứng thuế 0,3% hoặc 0,4%. Tuy nhiên, cả 2 lần này đều phải gác lại vì dư luận không đồng tình.

Vào năm ngoái, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10, thông qua vào tháng 5/2025. Song, tại một báo cáo gửi Chính phủ cuối tháng 7, cơ quan này đánh giá thời điểm này "chưa phù hợp". Lý do là kinh tế thế giới còn phức tạp, khả năng phục hồi chưa rõ.

Quay trở lại với động thái của Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính về việc đánh thuế bất động sản được giới chuyên gia đánh giá rất tích cực, song, theo VARS, việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường cũng gặp nhiều thách thức.

Nghiên cứu của VARS cho thấy, để sử dụng hiệu quả và minh bạch công cụ thuế, cơ quan quản lý Nhà nước thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản Việt Nam. Từ đó, làm căn cứ xác định đâu là ngôi nhà thứ hai, thứ ba... và giá trị của bất động sản áp thuế. Điều này đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ và nguồn nhân lực.

 Đánh thuế bất động sản không thể thấy khó mà bỏ qua

Đánh thuế bất động sản không thể thấy khó mà bỏ qua

Cùng với đó, cũng phải cân nhắc tác động tiêu cực có thể có, như việc đánh thuế có thể khiến người dân bị “kiệt quệ” sức mua, dẫn đến các hệ lụy khác về lâu dài với nền kinh tế hoặc tạo ra các lỗ hổng pháp lý khi người giàu vẫn có thể lách thuế bằng cách chuyển quyền sở hữu tài sản thứ 2, thứ 3...cho người thân; giá thuê nhà tăng để bù đắp chi phí cấu thành từ việc đóng thuế...

Tuy nhiên, theo VARS, bất cứ một chính sách nào khi mới đưa ra luôn có vướng mắc, vấn đề là phải cân nhắc “được và mất”. Nếu được nhiều hơn mất thì nên làm và mọi cái vướng đều có thể tháo gỡ. “Và rõ ràng, việc đánh thuế bất động sản được nhiều hơn mất!”, VARS nhấn mạnh.

Mỹ Linh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/hieu-dung-ve-de-xuat-danh-thue-bat-dong-san-thu-hai-post554988.html