Hiểu đúng về giai đoạn tiền Tiểu học
Nhiều gia đình tìm các lớp học tiền tiểu học nhằm học trước kiến thức mà quên việc quan trọng là trang bị tâm thế, kỹ năng để bắt nhịp với cấp học mới.
Chuẩn bị tâm thế đúng cách
Chị Nguyễn Thị Phương Thúy (quận Long Biên, Hà Nội) từng lo lắng khi nghe bạn bè, một số phụ huynh chia sẻ về những áp lực khi trẻ vào lớp 1. Chị và chồng lên kế hoạch cho con đi học trước kiến thức nhằm tạo sự tự tin và vững vàng. Tuy nhiên, sau khi đến trường tiểu học để tìm hiểu, nghe tư vấn từ thầy cô, chuyên gia… chị Thúy thay đổi suy nghĩ, cởi bỏ những lo lắng bấy lâu.
Chị Thúy chia sẻ: “Quá trình con học mẫu giáo 5 tuổi, tôi đã sát sao chương trình học ở lớp đồng thời làm theo hướng dẫn của cô giáo, cùng con tự học ở nhà. Thời gian nghỉ hè, tôi dạy con tư thế ngồi học, cách cầm bút và ôn lại bảng chữ cái, chữ số đã học ở mẫu giáo; chia sẻ với con về sự hấp dẫn, thay đổi của cấp học mới để tạo hứng thú, mong muốn đến trường”.
Bước vào lớp 1, con chị Thúy chưa biết đánh vần hay viết chữ như một số bạn trong lớp nhưng chỉ sau 2 tháng có thể đọc thành thạo, viết được chữ và theo kịp chương trình như các bạn. Chị Thúy chia sẻ: “Ngoài thời gian học ở trường, mỗi tối, tôi cùng con ôn lại bài, hoàn thành các bài tập con chưa làm xong”.
Theo cô Lã Hương Giang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Khê (huyện Văn Quan, Lạng Sơn), với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, từ đầu năm học nhà trường đã phối hợp với trường tiểu học xây dựng kế hoạch tổ chức cho trẻ tham quan, tìm hiểu môi trường cấp học mới, học thử một số buổi; lồng ghép vài hoạt động trường tiểu học vào tiết học; tổ chức hoạt động ngoại khóa, bố trí không gian để tăng cường học chữ cái, chữ số, giúp các em mạnh dạn, tự tin bước vào cấp học mới. Cùng đó, trường tập huấn chuyên môn cho cán bộ, giáo viên và truyền thông để phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1.
“Trường Mầm non Khánh Khê còn phối hợp với gia đình để dạy trẻ kỹ năng tự lập, chăm sóc bản thân, chuẩn bị sách vở, quần áo; đi ngủ đúng giờ… Điều này giúp các em khi ở cấp học mới không bị động, thiếu kỹ năng”, cô Giang cho biết.
Tương tự, cô Trần Thị Hợi - Hiệu trưởng Trường Khánh Nhạc A (huyện Yên Khánh, Ninh Bình) cho hay, trẻ mầm non đang quen với phương pháp “học mà chơi, chơi mà học”; kỹ năng tiếp nhận kiến thức còn theo bản năng, tính kỷ luật chưa cao. Do đó, trước khi vào lớp 1, phụ huynh nên trò chuyện, gợi mở cho trẻ hiểu nền nếp, cách tiếp nhận kiến thức, tuân thủ nội quy của lớp, nhà trường ở cấp học mới. Hướng dẫn trẻ cách giao tiếp, chia sẻ, tham gia các hoạt động tập thể, kỹ năng bảo vệ bản thân ở môi trường mới.
“Trong thời gian nghỉ hè trước khi vào lớp 1, phụ huynh cần chú trọng rèn luyện thể lực, ngủ đúng giờ, tự phục vụ cho con… để khi tham gia bán trú tại trường tiểu học không bỡ ngỡ”, cô Hợi nói.
Học kỹ năng thay vì học chữ
Tâm lý lo lắng khi con bước vào cấp học mới là điều không tránh khỏi trong mỗi phụ huynh. Theo cô Đinh Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), thời điểm này phụ huynh nên cùng trẻ chơi các trò chơi để làm quen số, chữ cái nhẹ nhàng, không nhất thiết phải đi học trước kiến thức lớp 1.
Lý giải điều này, cô Thảo nói: “Nếu học trước kiến thức, giai đoạn đầu các em sẽ tự tin. Nhưng với những em có tố chất tốt trong học tập khi biết trước kiến thức sẽ không còn hứng thú với bài học cô giáo dạy, dẫn đến tâm lý chủ quan, cho rằng mình đã học và biết, lâu dần thành thói quen”.
Cô Thảo cho biết thêm, trẻ sắp vào lớp 1, phụ huynh nên bám sát chương trình mẫu giáo 5 tuổi. Bởi trẻ mẫu giáo 5 tuổi được học chữ cái, con số, cách cầm bút, tư thế ngồi học. Đồng thời khi xây dựng chương trình, Bộ GD&ĐT, chuyên gia đã nghiên cứu các bài học dựa trên độ tuổi, năng lực nhận thức của học sinh lớp 1. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô sẽ dựa trên khả năng từng em để rèn luyện.
“Đặc biệt, Chương trình GDPT 2018 theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất, lấy học sinh làm trung tâm bởi vậy phụ huynh không nên quá lo lắng dẫn đến áp lực tâm lý, bắt trẻ học quá khả năng tiếp thu dẫn đến chưa vào lớp 1 đã sợ đến trường. Thay vào đó, cha mẹ nên đồng hành để giúp trẻ hiểu vào lớp 1 sẽ được khám phá những điều mới, thú vị…”, cô Thảo nói.
Đứng ở góc độ chuyên gia giáo dục, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục bày tỏ: Giáo dục tiền tiểu học là vấn đề được nhiều huynh quan tâm, đây là giai đoạn chuyển cấp, một bước ngoặt lớn, có trẻ thích ứng nhanh, nhưng có em ngược lại. Bởi vậy, trước khi vào lớp 1, chương trình giáo dục chưa yêu cầu trẻ phải đọc thông, viết thạo.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần tìm hiểu trước chương trình lớp 1, cách đánh giá học sinh và những điều cần phối hợp trong quá trình giáo dục. Từ đó, chuẩn bị cho trẻ ý thức, thái độ, biết chấp nhận những khó khăn đầu cấp; các yêu cầu, quy định của bậc học mới như giờ giấc, phương pháp học nghiêm túc, làm bài tập, tham gia các hoạt động tập thể. Hãy hướng dẫn trẻ cách hòa đồng, biết thiết lập mối quan hệ. Nếu không trang bị kỹ năng quan trọng này, trẻ dễ bị sốc tâm lý khi bước vào môi trường học tập mới.
“Các bậc phụ huynh cần chuẩn bị tâm thế bằng cách cho con làm quen với quy định, nội quy trường tiểu học; hướng dẫn con cách tham gia lớp học và hoạt động của toàn trường, rèn luyện kỹ năng sống để sẵn sàng bước vào cấp học mới.
Không nên lo lắng về việc học kiến thức, bởi các thầy cô trường tiểu học sẽ có phương pháp, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm giảng dạy giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ học tập”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hieu-dung-ve-giai-doan-tien-tieu-hoc-post680806.html