Hiểu đúng về giãn cách xã hội từ ngày 23-4

Theo nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ cũng như của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ngày 22-4, từ 0h ngày 23-4, người dân trên địa bàn thành phố nới lỏng việc giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc nới lỏng này được thực hiện ở 28 quận, huyện, thị xã. Hai huyện Mê Linh và Thường Tín phải nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội.

Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn 2 huyện Mê Linh và Thường Tín tiếp tục tạm dừng hoạt động.

Hai địa phương là thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) và thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) thuộc nhóm nguy cơ cao vì có các ca bệnh và chưa hết thời hạn cách ly. Vì vậy, hai huyện Mê Linh và Thường Tín vẫn phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội. Theo đó, trên địa bàn 2 huyện sẽ:

Dừng hoạt động tại tất cả các cửa hàng chưa được buôn bán, trừ các cửa hàng thiết yếu.

Người dân được yêu cầu ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác hoặc cấp cứu, khám chữa bệnh…

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

Dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng cũng tạm dừng phục vụ tại địa bàn 2 địa phương.

Các quận, huyện, thị xã còn lại thuộc nhóm nguy cơ nên sẽ được nới lỏng hơn việc giãn cách xã hội, thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng.

Người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

Dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Các cửa hàng ăn uống được mở cửa nhưng phải bảo đảm giữ khoảng cách, nên có tấm chắn cho khách ngồi ăn.

Các trung tâm thương mại, siêu thị hoạt động trở lại và giữ khoảng cách, thường xuyên đo thân nhiệt và phân luồng một chiều cho người mua sắm.

Các cơ quan, xí nghiệp phải bảo đảm phòng, chống dịch, thực hiện đo thân nhiệt cho người lao động; tổ chức phòng, chống dịch cho các bếp ăn tập thể.

Các bệnh viện được phép tiếp nhận bệnh nhân mới nhưng phải theo quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện phân luồng, khai báo y tế khi đến khám bệnh.

Người dân hạn chế việc di chuyển, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác.

Một số hoạt động không thiết yếu vẫn bị cấm như quán bar, nhà hàng, trò chơi điện tử, các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, hoạt động thể thao, hoạt động kinh doanh trà đá, trà chanh…

Chính quyền địa phương được yêu cầu tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, kinh doanh tại vỉa hè; những trường hợp người dân ra đường không đeo khẩu trang.

Các hoạt động vận tải, xe Grab được phép hoạt động trở lại nhưng chỉ với công suất 20-30%, khuyến khích không ngồi hết hàng ghế.

Ngày 23-4, Tổng công ty Vận tải Hà Nội vận hành lại trên 104 tuyến xe buýt, đạt 22,5%.

Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, khi gặp hành khách có biểu hiện nghi ngờ nhiễm vi rút SARS-CoV-2, lái xe sẽ từ chối vận chuyển và thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Ngoài ra, dịch vụ vận tải hành khách công cộng không vận chuyển trường hợp không chấp hành quy định phòng, chống dịch. Trường hợp đông khách cục bộ sẽ bố trí xe tăng cường giải tỏa.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/965471/hieu-dung-ve-gian-cach-xa-hoi-tu-ngay-23-4