Hiểu đúng về vi khuẩn Helicobacter pylori

Vi khuẩn Helicobacter pylori (sau đây viết tắt là vi khuẩn Hp) được phát hiện năm 1982 bởi Robin Warren và Barry Marshall (Úc). Đây là một loại vi khuẩn kỵ khí hình que. Vi khuẩn này sống trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày, chúng được công nhận là một trong những nguyên nhân gây loét dạ dày-hành tá tràng và ung thư dạ dày.

Tuy nhiên, có hơn 80% những người bị nhiễm Hp trong dạ dày không có biểu hiện triệu chứng. Vi khuẩn Hp là một loại vi sinh vật đã sống trong dạ dày người từ cổ xưa, chúng được tìm thấy trong dạ dày người từ 60.000 năm trước đây ở châu Phi. Vi khuẩn Hp cũng được coi là một vi sinh vật bình thường trong hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa của con người.

Trên 50% dân số thế giới có nhiễm vi khuẩn Hp. Ở các nước đã phát triển như Mỹ, các nước phương Tây… tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Hp thấp hơn, chỉ khoảng 20 - 40%, trong khi đó ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tỉ lệ nhiễm vi khuẩn Hp cao hơn rất nhiều, lên tới khảng 70%.

Mặc dù vi khuẩn Hp khá phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về chúng. Nhiều người nghĩ rằng sự có mặt của vi khuẩn Hp trong dạ dày chắc chắn là có hại, thậm chí cứ nhiễm vi khuẩn Hp là bị ung thư dạ dày.

Thực tế, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng vi khuẩn Hp là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày chứ không phải ai nhiễm vi khuẩn Hp cũng sẽ bị ung thư dạ dày.

Đồng thời, nếu vi khuẩn Hp không gây ra các triệu chứng về dạ dày như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói... thì sự có mặt của vi khuẩn Hp gần giống như một vi khuẩn cộng sinh, đôi khi lại có một số tác dụng đối với cơ thể. Việc hiểu chưa đúng về vi khuẩn Hp khiến nhiều người lo lắng quá mức hoặc ngược lại một số người lại rất chủ quan và không tuân thủ điều trị.

Đường lây truyền vi khuẩn Hp

Cho đến nay, chính xác việc bị lây nhiễm Hp như thế nào vẫn chưa được biết rõ. Người ta cho rằng Hp có thể lây nhiễm qua các con đường sau:

- Đường phân - miệng: Vi khuẩn Hp đào thải qua phân. Khi chúng ta ăn thực phẩm và/hoặc uống nước bị ô nhiễm chất thải có chứa chủng Hp thì sẽ bị nhiễm.

- Đường miệng - miệng: Sự tái nhiễm và lây lan HP trong cộng đồng qua sinh hoạt ăn uống, thói quen dùng chung đồ trong gia đình và cộng đồng. Có thể việc mẹ nhai cơm và mớm cơm cho con ở một số nước trong đó có Việt Nam trước đây cũng là nguyên nhân trực tiếp lây truyền Hp.

- Đường khác: Các thiết bị y tế như ống soi, dụng cụ nha khoa, dụng cụ tai mũi họng... chưa được vệ sinh tiệt khuẩn sạch sẽ có thể làm lây truyền vi khuẩn Hp.

Vi khuẩn Hp gây bệnh gì?

Có tới trên 80% người có nhiễm vi khuẩn Hp không có triệu chứng. Người nhiễm Hp mà không điều trị thì có khoảng 10 -20% có khả năng bị loét dạ dày tá tràng và 1-2% có khả năng bị ung thư dạ dày. Vi khuẩn Hp có thể gây ra các bệnh sau:

Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày.

Viêm mạn tính niêm mạc dạ dày.

Loét dạ dày tá tràng.

Ung thư dạ dày.

U lympho B lớp niêm mạc dạ dày (u MALT).

Chứng khó tiêu chức năng.

Một số bệnh ngoài đường tiêu hóa: Nhiễm vi khuẩn Hp cũng làm tăng xuất hiện một số bệnh như: Giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân, bệnh lý mạch vành, đau nửa đầu…

Vi khuẩn Hp có lợi cho con người không?

Vi khuẩn Hp cũng cho thấy có một vai trò nào đó trong cuộc sống bình thường của con người. Theo một số nghiên cứu, sự giảm nhiễm Hp có thể làm tăng tỷ lệ các bệnh như viêm ruột kích thích, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn’s, ung thư thực quản. Ngoài ra, trong một số nghiên cứu khác thấy có tăng tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường, hen phế quản ở những người không có nhiễm vi khuẩn Hp.

Đối với dạ dày, vi khuẩn Hp làm tăng nguy cơ ung thư cao gấp 4 lần đối với ung thư tại vùng không phải tâm vị (Non-cardia gastric cancer). Tuy nhiên, người ta cũng thấy có mối liên quan nghịch giữa nhiễm Hp với ung thư vùng tâm vị dạ dày (bao gồm cả thực quản), một nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư tâm vị dạ dày (Gastric cardia cancer) trên những người có nhiễm Hp là bằng khoảng 1/3 so với người không nhiễm.

Khi nào cần điều trị tiêu diệt vi khuẩn Hp?

Trước đây, vi khuẩn Hp rất nhạy cảm với kháng sinh. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ vi khuẩn Hp kháng thuốc rất cao. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Đinh Cao Minh, Bùi Hữu Hoàng (Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) năm 2012-2013, tỷ lệ Hp kháng từng loại kháng sinh lần lượt là: Amoxicillin 13,7%, Metronidazole 44,1%, Tetracycline 23,5%, Clarithromycin 56,9% và Levofloxacin 25,5%. Nghiên cứu của Đặng Ngọc Quý Huệ (Trường Đại học y dược Huế) năm 2016, tỷ lệ Hp kháng Clarithromycin là 72,5%, kháng Levofloxacin là 40,3%, tỷ lệ Hp kháng kép với cả Levofloxacin và Clarithromycin là 30,7%.

Do Hp có tỷ lệ kháng kháng sinh cao, việc điều trị cần có chỉ định đúng nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc và tránh lãng phí. Chỉ điều trị diệt Hp khi cần thiết: Điều trị diệt Hp cho những bệnh nhân có triệu chứng, có tổn thương dạ dày do Hp gây ra. Những trường hợp nhiễm vi khuẩn Hp không có triệu chứng, không có tổn thương dạ dày, tiền sử gia đình không có người bị ung thư dạ dày thì không cần thiết phải diệt Hp.

Bác sĩ Võ Tiến Minh

(Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/suc-khoe-doi-song/77768/hieu-dung-ve-vi-khuan-helicobacter-pylori.html