Hiệu quả bước đầu chuyển đổi số trong nông nghiệp

ĐBP - Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có nông nghiệp. Đối với tỉnh miền núi như Điện Biên, việc chuyển đổi số càng có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sản xuất hàng hóa và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững. Dù triển khai chưa lâu song bước đầu chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả, đặc biệt là trong công tác phòng, chống cháy rừng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Ứng dụng chuyển đổi số trong chăm sóc cây trồng tự động đối với mô hình trồng dưa lưới tại phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ.

Tháng 6/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các phòng, ban, đơn vị trực thuộc tiếp cận ứng dụng “Hệ thống bản đồ nông nghiệp số Việt Nam” nhằm đáp ứng mục tiêu quản lý, cập nhật liên tục dữ liệu về thổ nhưỡng, thủy văn, nông sản, lâm sản, thủy sản. Từ đó, có đủ dữ liệu, số liệu để hoạch định chiến lược, sách lược vĩ mô (gồm hoạch định tìm kiếm thị trường, hoạch định chính sách quản lý, hoạch định vùng cây trồng...) Hiệu quả bước đầu của việc đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh là áp dụng vào quy trình theo dõi diễn biến rừng, phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng, xây dựng cơ sở dữ liệu diễn biến rừng hàng năm. Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm đã sử dụng công nghệ không gian địa lý, xử lý ảnh vệ tinh đa thời gian để phát hiện những biến động về rừng có thể có (tăng rừng, mất rừng, suy thoái rừng) để xây dựng cơ sở dữ liệu sơ cấp chuyển các hạt kiểm lâm phục vụ việc khảo sát, kiểm chứng ngoài thực địa. Nhờ đó các hạt kiểm lâm có thể khảo sát, kiểm chứng, nếu địa hình dễ tiếp cận thì khảo sát trực tiếp; còn với những khu vực khó tiếp cận thì sử dụng Flycam.

Ngoài ra, trên cơ sở bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng, bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND ngày 20/11/2020, các đơn vị chức năng đã sử dụng các cơ sở dữ liệu về thời tiết tại địa phương để phục vụ việc tra cứu dự báo, xác định cấp nguy cơ cháy rừng. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức lắp đặt báo hiệu cấp nguy cơ cháy rừng tự động trên địa bàn (tự thu thập các nhân tố khí tượng để cảnh báo nguy cơ cháy rừng và gửi cảnh báo đó đến các số điện thoại đã đăng ký) tại các hạt kiểm lâm (thời gian tới nếu có kinh phí sẽ nhân rộng lắp đặt tại các xã). Nhờ đó đã giúp công tác phòng, chống cháy rừng được chủ động ở mức cao nhất, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng bước số hóa việc quản lý, kiểm soát dịch bệnh thông qua phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thử nghiệm các phần mềm quản lý đàn vật nuôi và dịch bệnh bằng công nghệ như: Phần mềm Blockchain, công nghệ IOT, công nghệ sinh học. Đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu ý nghĩa, quyền lợi, trách nhiệm trong việc tham gia chương trình quản lý và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Người chăn nuôi được hướng dẫn thao tác ứng dụng trên điện thoại thông minh để báo cáo tình hình đàn vật nuôi, dịch bệnh và tiêu thụ, vận chuyển ra sao... Từ phần mềm trên, các cơ quan chức năng sẽ quản lý được biến động tổng đàn vật nuôi thường xuyên trên địa bàn. Còn đối với nuôi trồng thủy sản, bằng các công nghệ: Nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), biofloc, nano, nuôi cá nước lạnh... đã lai tạo nhiều giống có năng suất, chất lượng cao, khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường, tăng năng suất, sản lượng.

Trước mắt, ngành phấn đấu 100% cán bộ công chức, viên chức có chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin hoặc tương đương; tiếp tục triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đảm bảo theo yêu cầu đề ra; thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ để trao đổi thông tin. Đồng thời, thực hiện chữ ký số đối với 17/17 đơn vị trực thuộc; 100% văn bản thực hiện trên môi trường mạng; duy trì vị trí chấm điểm chỉ số cải cách hành chính của đơn vị trong Top 9. Đặc biệt là xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, quản lý bảo vệ rừng, tưới tiêu, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Bài, ảnh: Đức Kiên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/189548/hieu-qua-buoc-dau-chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep