Hiệu quả chính sách giảm nghèo ở Lương Sơn

PTĐT - Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thông qua nhiều chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương...

Xưởng may của gia đình anh chị Bình Liễu, khu Trung Tâm, xã Lương Sơn giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động trên địa bàn với mức thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Xưởng may của gia đình anh chị Bình Liễu, khu Trung Tâm, xã Lương Sơn giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động trên địa bàn với mức thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

PTĐT - Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thông qua nhiều chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực của nhân dân, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Lương Sơn, huyện Yên Lập giảm rõ rệt, hiện còn khoảng 10% (giảm hơn 11% so với năm 2014), thu nhập bình quân tăng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao…
Ông Trần Văn Phương- Bí thư Đảng ủy xã Lương Sơn cho biết: “Thực hiện Chương trình Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020, Đảng ủy, UBND xã đã cụ thể hóa, đưa mục tiêu giảm nghèo vào Nghị quyết Đảng bộ, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12%. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, chính quyền địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ để người dân chủ động phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo”. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, để công tác giảm nghèo thực sự hiệu quả, trong nông nghiệp, xã đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con giống mới có giá trị, năng suất cao vào sản xuất; đẩy mạnh thực hiện, mở rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Cùng với đó, địa phương tập trung, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, động viên, hỗ trợ hình thành một số doanh nghiệp sản xuất gạch, gỗ bóc, cơ khí… qua đó tạo việc làm cho nhiều lao động. Cụm công nghiệp Lương Sơn hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2015 đến nay với 3 doanh nghiệp cùng một số xưởng may có quy mô hơn 20 công nhân mỗi xưởng, các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, nông sản, thực phẩm… giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động với thu nhập bình quân khoảng 5 - 7 triệu đồng/ người/tháng. Hiện công ty may bao bì đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn, dự kiến sau khi hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 500 - 700 lao động. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn xã thực sự phát huy hiệu quả, giúp người dân học nghề mới, thành “cần câu” để họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt khi chị Đinh Thị Lương, khu Tân Hội nói về quá trình phấn đấu, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo của gia đình. Trước đây, dù chịu khó làm ăn, bám đồng ruộng nhưng cuộc sống gia đình chị vẫn chật vật, nghèo khó. Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề tại địa phương, chị xin vào làm công nhân may trên địa bàn xã, mang lại thu nhập ổn định 5 - 6 triệu đồng/tháng, cuộc sống dần được ổn định. Nhằm nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo và vươn lên làm giàu, chính quyền địa phương còn khuyến khích người dân đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp uy tín có chức năng xuất khẩu lao động. Hiện xã có gần 300 lao động đang đi làm việc tại các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc... Từ các nguồn thu khi đi lao động, nhiều gia đình đã xây dựng nhà cửa khang trang, có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên khá giả. Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi để xã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, trường lớp, trạm y tế, đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, xã có ¾ trường đạt chuẩn Quốc gia, trường mầm non đang được xây dựng, sau khi hoàn thành sẽ đề nghị công nhận đạt chuẩn; các tuyến đường giao thông của xã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Ông Nguyễn Văn Liên, khu Trung Tâm, tham gia lao động tại thị trường Thụy Sĩ, về nước năm 2019, hiện là chủ xưởng sửa chữa ô tô và đang đầu tư xây dựng trung tâm sự kiện tại địa bàn xã cho biết: “Tham gia xuất khẩu lao động giúp tôi tích lũy được một số vốn để phát triển kinh tế gia đình cũng như đóng góp xây dựng quê hương”.Đảng ủy, chính quyền xã Lương Sơn luôn xác định mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phấn đấu trong năm 2020 xã sẽ tiếp tục giảm 3,2% với 77 hộ nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, địa phương sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, các ngành nghề TTCN và tập trung xuất khẩu lao động song song với duy trì, nâng cao năng suất của kinh tế nông, lâm nghiệp; tăng cường đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất; huy động mọi nguồn lực và phát huy tốt vai trò của các đoàn thể chính trị- xã hội trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Hiện xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đang huy động mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí còn lại để sớm cán đích nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

Huy Công

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/giam-ngheo-ben-vung/202007/hieu-qua-chinh-sach-giam-ngheo-o-luong-son-172164