Hiệu quả chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp thường đối diện với nhiều rủi ro về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh…nhất là sự bấp bênh của thị trường. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro cho người sản xuất, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, một trong những chính sách đã bước đầu phát huy hiệu quả là hỗ trợ kinh phí để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm bò thịt tại xã Nguyệt Đức (Yên Lạc)

Mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm bò thịt tại xã Nguyệt Đức (Yên Lạc)

Năm 2021, được sự hỗ trợ theo chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp xã Yên Bình (Vĩnh Tường) tham gia mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm gà thịt an toàn sinh học với Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Herbfarm. Tổng số đàn gà của các thành viên tham gia mô hình trên 3.000 con.

Quá trình nuôi, các thành viên HTX tham gia mô hình được hỗ trợ kinh phí; tập huấn, hướng dẫn áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo chất lượng thịt khi xuất chuồng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.

Sau hơn 3 tháng nuôi, nhờ tuân thủ đúng các quy trình, đàn gà tham gia mô hình có tỷ lệ sống cao, trên 96% tổng đàn, trọng lượng trung bình khi xuất chuồng đạt gần 2,6 kg/con. Tổng sản lượng xuất chuồng đạt gần 8 tấn.

Toàn bộ đàn gà được đơn vị tham gia liên kết là Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Herbfarm bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 5-10.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi thành viên HTX tham gia mô hình thu lãi trên dưới 10 triệu đồng, tùy theo số lượng đàn gà nuôi.

Lãnh đạo HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp xã Yên Bình chia sẻ: Tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, ngoài việc được nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, nhất là sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao.

Các thành viên HTX không phải bận tâm đến việc tiêu thụ sản phẩm bởi đã có đơn vị liên kết đảm nhiệm với giá cả ổn định và luôn cao hơn so với mức trung bình của thị trường. Vừa hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa yên tâm để tập trung đầu tư vào quá trình chăn nuôi.

Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm thêm các đối tác liên kết, từ đó có điều kiện để mở rộng quy mô đàn gà cho các thành viên, tạo điều kiện để các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Cùng với mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm gà thịt an toàn sinh học của HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp xã Yên Bình, năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) triển khai thêm 4 mô hình khác theo chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Cụ thể là mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn tại xã Ngọc Thanh (Phúc Yên); mô hình tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm Trà hoa vàng tại huyện Tam Đảo; mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm bò thịt tại xã Nguyệt Đức (Yên Lạc); mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn tại xã Thiện Kế (Bình Xuyên).

Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, về cơ bản các mô hình được hỗ trợ theo chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều phát huy hiệu quả rõ rệt, cả người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều được hưởng lợi.

Người sản xuất khi tham gia vào chuỗi liên kết được nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, đảm bảo tiêu thụ nông sản với giá cả ổn định, hạn chế tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, gia tăng hiệu quả kinh tế cho sản xuất, tạo động lực để người sản xuất yên tâm mở rộng quy mô, hướng để sản xuất, chăn nuôi hàng hóa công nghệ cao.

Doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chủ động được nguồn cung hàng hóa, quản lý hiệu quả quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm cung ứng. Người tiêu dùng được mua các sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn, sức khỏe trong quá trình sử dụng.

Do vậy, các đơn vị tham gia liên kết đều mong muốn tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Được biết, theo Nghị quyết 86, ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hạ tầng phục vụ liên kết và khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm liên kết. Mức hỗ trợ có thể lên hơn 10 tỷ đồng, tùy vào quy mô dự án liên kết.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/73587/hieu-qua-chinh-sach-ho-tro-lien-ket-san-xuat-va-tieu-thu-cac-san-pham-nong-nghiep.html