Hiệu quả của công tác phối hợp hành động bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường (BVMT) cần có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) và các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Từ quan điểm và nhận thức đó, những năm qua, ngành TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể, địa phương trong triển khai các hoạt động BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu. Từ đó, công tác BVMT được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả cao.
Mô hình điểm đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng thân thiện với môi trường tại huyện Thọ Xuân.
Để công tác phối hợp được thực hiện hiệu quả, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 122/KH-UBND ngày 3-6-2020 về việc tổ chức “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6-2020; Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 15-9-2020 về việc tổ chức các hoạt động BVMT hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Quyết định số 3787/QĐ-UBND ngày 14-9-2020 về việc phê duyệt nhiệm vụ thực hiện Chương trình phối hợp hành động BVMT phục vụ phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025... Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm; hình thức và nội dung tuyên truyền đa dạng. Qua đó, nhận thức, ý thức của cộng đồng về BVMT có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo của Sở TN&MT, trong năm 2020, các đơn vị phối hợp đã biên soạn, cấp phát 300.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về BVMT và an toàn vệ sinh lao động tới cán bộ, hội viên, đoàn viên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh; tổ chức 8.512 buổi tập huấn tại các trường học cho các giáo viên lồng ghép công tác BVMT trong các môn học; tổ chức 20 lớp tập huấn, hướng dẫn thực hiện tiêu chí về môi trường cho các xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu cho khoảng 3.900 đại biểu tham dự; tổ chức 2 lễ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” tại huyện Thọ Xuân và Nga Sơn nhân Ngày Môi trường thế giới và Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Sau lễ phát động, tổ chức cho Nhân dân trên địa bàn tham gia đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng thân thiện môi trường. Phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức hướng dẫn việc phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình, sử dụng rác thải dễ phân hủy làm phân bón hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, trong đó, đã trồng mới 100 nghìn cây xanh và 15 ha rừng; thu gom, vận chuyển hơn 10.000m3 rác thải về nơi quy định; tu sửa và làm mới 230 hố rác gia đình, 25 hố rác tập trung của thôn; lắp đặt các bể thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng; phối hợp thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các tổ vệ sinh môi trường tự quản, trong đó lực lượng hội viên phụ nữ, cựu chiến binh là nòng cốt.
Đặc biệt, các đơn vị phối hợp đã xây dựng, triển khai, nhân rộng những mô hình về BVMT như, ủy ban MTTQ với mô hình “Khu dân cư tự quản BVMT”, “Khu dân cư xanh, sạch, đẹp; xã, phường an toàn và trong sạch môi trường”; Tỉnh đoàn thanh niên duy trì mô hình “Ngôi nhà thu gom phế liệu” tại các trường học. Hội Liên hiệp Phụ nữ tiếp tục duy trì 571 mô hình “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân triển khai 6 mô hình “Thu gom, phân loại, xử lý chất thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư”; Hội Cựu chiến binh tiếp tục nhân rộng mô hình “Bảo vệ môi trường ngoài đồng ruộng” bổ sung nắp đậy kiên cố các thùng chứa rác thải đồng ruộng”... Nhìn chung, các mô hình đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, góp phần giảm thiểu phát sinh chất thải; tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp nơi công cộng, khu dân cư.
Nhằm tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong thực hiện chương trình phối hợp hành động BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian tới, các đơn vị phối hợp căn cứ tình hình thực tế tại địa bàn phân công phụ trách, xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, gắn với giải quyết các vấn đề môi trường đang bức xúc hiện nay; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình BVMT đang hoạt động và lựa chọn mô hình hoạt động hiệu quả để rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng. Chú trọng xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường; đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên có trình độ và năng lực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia các hoạt động BVMT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về BVMT và vệ sinh nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư, làng nghề của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.