Hiệu quả hợp tác liên viện

Thời gian qua, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bệnh viện trên địa bàn Đồng Nai mà nhiều bệnh nhân nặng đã qua cơn nguy kịch, trở về với cuộc sống đời thường.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tới đây, Sở Y tế sẽ triển khai mô hình Bệnh viện mẹ - con để các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới.

Hợp sức cứu sống bé được sinh ra rất non

Chị H.T.T. (30 tuổi, ngụ thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) cho biết, nhờ các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai kịp thời cứu chữa mà đến nay, con gái chị đã qua cơn nguy kịch.

Chị T. bị buồng trứng đa nang, từng có thai ngoài tử cung, phải cắt bỏ một bên vòi trứng nên phải thụ tinh ống nghiệm để có con. Sau khi sinh bé đầu tiên, vợ chồng chị tiếp tục thụ tinh ống nghiệm. Cách đây khoảng 6 tuần, khi đang mang song thai ở tuần thứ 26, chị T. bị đau bụng, dấu hiệu chuyển dạ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, chị T. được phẫu thuật lấy thai ngay. Một trong 2 bé đã không qua khỏi. Bé gái còn lại nặng 900g được khẩn trương chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Thanh, phụ trách Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết em bé được sinh ra rất non, cần được chăm sóc với chế độ đặc biệt. Các bác sĩ đã tiến hành hỗ trợ hô hấp, nuôi ăn tĩnh mạch, tiêm kháng sinh cho bé. Đến nay, sau 6 tuần, bé đã tăng cân lên 1,3kg, vẫn còn thở oxy nhưng đã được ra khỏi lồng ấp, được mẹ ấp theo phương pháp Kangaroo nhằm kích thích bé thở. Các bác sĩ đang tiếp tục dùng thuốc phòng ngừa thiếu máu cho em bé. Dự kiến, khi em bé ngưng thở oxy, tự thở tốt, bú mẹ tốt, lên khoảng 1,7-1,8kg, mọi chỉ số sinh tồn đều ổn định thì sẽ được xuất viện.

Mới đây, nhờ có sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai mà các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã thực hiện thành công ca phẫu thuật, cứu sống mẹ con sản phụ N.T.H.N. (37 tuổi, ngụ phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa).

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Kim Loan, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết sản phụ mang thai tuần thứ 30, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, thở nhanh, vã mồ hôi, tím tái, mạch nhanh, sốt cao, nồng độ oxy trong máu thấp. Tình hình của sản phụ ngày càng xấu đi, được chẩn đoán bị suy hô hấp cấp, viêm phổi nặng.

“Sau khi hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, chúng tôi đã quyết định mổ “dã chiến” ngay tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện. Mọi vấn đề liên quan được thực hiện rất nhanh chóng, nhịp nhàng. Kết quả sau mổ, sức khỏe của sản phụ ngày càng cải thiện, được xuất viện một tuần sau đó. Còn bé gái được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để tiếp tục điều trị” - bác sĩ Loan cho hay.

Khi trí tuệ nhân tạo được ứng dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh viện tuyến dưới sẽ chiếu, chụp cho bệnh nhân, sau đó chuyển qua hệ thống lên bệnh viện tuyến trên để bác sĩ tuyến trên đọc kết quả và chuyển về cho bệnh viện tuyến dưới. Điều này giúp tăng độ chính xác, giảm nhân lực, thời gian, đem lại lợi ích cho cả bác sĩ và người bệnh.

Giúp nhau phát triển chuyên môn

Không chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai mà nhiều bệnh viện khác trong tỉnh cũng đang thực hiện rất tốt việc hợp tác liên viện. Nhiều ca bệnh nặng từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên các bệnh viện tuyến trên được cứu chữa kịp thời.

Điển hình như trường hợp nam bệnh nhân 41 tuổi, ngụ phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) bị điện giật tại nhà dẫn đến ngưng tim, ngưng thở. Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cấp cứu có tim trở lại, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Đến nay, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục tốt.

Bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, nhân lực để mở thêm Khoa Ngoại thần kinh cột sống, Khoa Nội tiết. Bệnh viện đang chờ phê duyệt của các cấp lãnh đạo.

“Mục tiêu chúng tôi hướng đến là xây dựng bệnh viện chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trong khu vực. Đối với các trung tâm y tế lân cận, nếu cần hỗ trợ, chúng tôi sẽ sẵn sàng. Bệnh viện đang tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống công nghệ thông tin để có thể đưa vào thử nghiệm trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh” - bác sĩ Huyên nói.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, sở sẽ chia các cụm bệnh viện để bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới cả về nhân lực lẫn chuyên môn.

Theo đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Tân Phú. Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh hỗ trợ trung tâm y tế các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và Thống Nhất. Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất sẽ hỗ trợ Trung tâm Y tế các huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu. Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sẽ hỗ trợ Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành.

Theo bác sĩ Lê Quang Trung, Sở Y tế sẽ xin ý kiến UBND tỉnh đầu tư cho các bệnh viện “mẹ” những thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Mục tiêu 3 năm tới sẽ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong tỉnh.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202406/hieu-qua-hop-tac-lien-vien-53d55cb/