Hiệu quả kéo dài bất ngờ của 2 loại vắc xin Covid-19
Các nhà khoa học tại Đại học Washington (Mỹ) đã công bố kết quả nghiên cứu vắc xin Pfizer và Moderna có tác dụng trong bao nhiêu lâu.
Nghiên cứu đã ghi nhận bằng chứng cho thấy hai loại vắc xin tạo ra phản ứng miễn dịch vừa mạnh mẽ vừa kéo dài. Các nhà chuyên môn đánh giá, tác dụng của Pfizer và Moderna có thể kéo dài nhiều năm.
Gần 4 tháng sau liều đầu tiên, những người được tiêm vắc xin Pfizer vẫn có trung tâm mầm trong các hạch bạch huyết tạo ra tế bào miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2.
Các trung tâm mầm, hình thành do mắc bệnh hoặc tiêm chủng, tạo ra tế bào miễn dịch để nhận ra những yếu tố lạ xâm nhập vào cơ thể.
Việc tiêm vắc xin sẽ tăng các kháng thể trung hòa có hiệu quả chống lại biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả biến thể Beta (ghi nhận lần đầu ởNam Phi) có khả năng kháng vắc xin.
Phó giáo sư Ali Ellebedy, chuyên gia bệnh học và miễn dịch học, cho biết: “Các trung tâm mầm là chìa khóa cho một phản ứng miễn dịch bền vững”.
"Trung tâm mầm là nơi hình thành ký ức miễn dịch của con người. Chúng ta có trung tâm mầm càng lâu thì khả năng miễn dịch càng mạnh và bền hơn vì có một quá trình chọn lọc khốc liệt đang diễn ra ở đó và chỉ những tế bào miễn dịch tốt nhất mới tồn tại được”.
“Chúng tôi nhận thấy các trung tâm mầm vẫn hoạt động mạnh mẽ 15 tuần sau liều vắc xin đầu tiên. Ở một số người, chúng vẫn đang tiếp tục duy trì. Điều này thực sự đáng chú ý".
Các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên tiêm vắc xin khi có thể. Ngay cả những người từng nhiễm Covid-19, việc tiêm vắc xin cũng giúp tăng mức kháng thể.
Phó giáo sư Jane O'Halloran đánh giá: "Vắc xin rõ ràng bổ sung thêm lợi ích, ngay cả với người từng mắc bệnh".
Hiện nay, hầu hết các nước hiện vẫn khuyến nghị áp dụng các nguyên tắc cơ bản về sức khỏe cộng đồng do xuất hiện các biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh, trong đó có chủng Delta. Bởi vậy, bạn cần đeo khẩu trang 2 lớp, vừa khít với mặt, hạn chế những khu vực đông người, giữ cho tay sạch sẽ và tiêm phòng ngay khi có cơ hội.
An Yên (Theo Eat This Not That)