Hiệu quả kép từ dạy nghề lưu động

Dạy nghề lưu động cho lao động nông thôn là một trong những cách làm đem lại hiệu quả cho cả các cơ sở dạy nghề và người lao động. Cách làm này đang được nhân rộng trong những năm gần đây. Thông qua các lớp học ngắn ngày, bà con nông dân được trang bị kiến thức, từ đó mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Học viên lớp sửa chữa máy nông nghiệp tại thôn 7,
xã Tân Tiến (Yên Sơn) thực hành sửa chữa máy cắt cỏ.

Yên Sơn là huyện có tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo cao, trên 80%. Đa số các lớp đào tạo nghề lưu động được chú trọng tổ chức ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng chí Đặng Xuân Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cho biết, hàng năm, Trung tâm phối hợp với UBND các xã khảo sát nhu cầu đào tạo nghề tại địa phương. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã mở 12 lớp tại các xã và cụm xã như lớp trồng cây ăn quả ở Tân Long, Tân Tiến; chế biến gỗ ở Thắng Quân; nuôi trồng thủy sản ở Mỹ Bằng...

Đồng chí Lý Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến (Yên Sơn) chia sẻ, thôn 7 hiện có 127 hộ, 570 nhân khẩu, 97% bà con là người Dao Thanh y, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Vừa qua, lớp sửa chữa máy nông nghiệp được mở tại thôn với 35 học viên tham gia đã hỗ trợ bà con cách vận hành và phương pháp khắc phục, sửa chữa máy khi gặp sự cố.

Chị Tướng Thị Chung, học viên lớp học nói: “Lớp học được mở ngay tại nhà văn hóa thôn nên chúng tôi đi lại dễ dàng, thuận tiện. Trước đây mỗi lần máy cắt cỏ, máy cày hỏng gia đình tôi phải mang đi rất xa để sửa. Sau khi tham gia lớp sửa chữa máy nông nghiệp, các lỗi đơn giản chúng tôi có thể tự khắc phục, vừa nhanh chóng lại không mất thời gian và tiền bạc mang đến cửa hàng sửa chữa”.

Tham gia các lớp đào tạo nghề, nhiều bà con đã có cơ hội tiếp thu kiến thức bổ ích từ đó áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, làm tăng năng suất lao động. Gia đình bà Dương Thị Thanh là một trong những điển hình trồng măng tây cho thu nhập khá tại thôn Thiện Phong, xã Thiện Kế (Sơn Dương). Bà cho biết, vừa qua bà được tham gia lớp học trồng măng tây 2 do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương tổ chức tại xã. Qua lớp học, bà đã hiểu thêm về nguồn gốc, đặc điểm sinh học và kỹ thuật chăm sóc để măng tây phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại mỗi ngày gia đình bà thu hoạch trung bình 10 - 15 kg măng tây, bán lẻ với giá từ 30 đến 60 nghìn đồng/kg. Thời gian tới, bà tiếp tục mạnh dạn mở rộng diện tích trồng măng tây từ 4,5 sào lên 7 sào.

Toàn tỉnh hiện có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó có 10 cơ sở tham gia mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhiều cơ sở thu hút đông đảo học viên tham gia như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương, Na Hang, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh... Đồng chí Nguyễn Văn Sảo, Phó trưởng Phòng Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ đầu năm đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mở nhiều lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp thu hút hơn 1.700 lao động nông thôn tham gia. Các lớp học được mở dưới hình thức lưu động tại cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại học tập. Cách làm này cũng thu hút đông đảo bà con nông dân vì gắn bó thiết thực với việc làm tại địa phương, đáp ứng trực tiếp nhu cầu phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 73%.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/hieu-qua-kep-tu-day-nghe-luu-dong-138080.html