Hiệu quả kinh tế từ những mô hình trồng sen

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng sen, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mùa hè là thời điểm các hộ trồng sen vào chính vụ thu hoạch hoa sen, hạt sen thương phẩm. Lúc này, bạt ngàn bông sen hồng, sen trắng tỏa hương thơm mát thoang thoảng trong gió, muôn hoa khoe sắc tạo nên bức tranh làng quê đẹp thơ mộng, yên bình.

Gia đình ông Nguyễn Văn Xuân, ở phường Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào) mượn ruộng bỏ hoang của người dân để trồng sen

Vào ngày hè nắng gắt cuối tháng 5, chúng tôi có dịp về thăm đầm sen rộng lớn ở tổ dân phố Nguyễn Xá, phường Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào) của gia đình ông Nguyễn Văn Xuân. Bên đầm sen thơm ngát, ông Xuân chia sẻ: Trước đây, khu vực này vốn là vùng đất sình lầy, việc canh tác lúa kém hiệu quả nên người dân bỏ hoang. Thấy ruộng bỏ hoang rất lãng phí, thổ nhưỡng lại phù hợp với trồng sen nên từ năm 2021 tôi đã mượn lại ruộng của một số hộ dân để trồng loại cây này. Lúc đầu tôi trồng 3 mẫu, đến nay, diện tích trồng sen của gia đình tôi tăng lên khoảng 10 mẫu. Tôi chủ yếu trồng các giống sen nhập ngoại có hương thơm, hoa đẹp, bền như: Quan Âm, Phật Âm, super…

Trong quá trình trồng, ông Xuân tự học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh và tìm đầu ra cho sản phẩm sen của gia đình. Hoa sen cho thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch. Dù sen nhập ngoại không phải là loại cây trồng quá khó tính nhưng thời điểm thu hoạch rất vất vả. Vào mùa thu hoạch, bất kể mưa hay nắng, cứ 4 giờ sáng là ông Xuân và các thành viên trong gia đình lại có mặt ngoài ruộng thu hái bông để kịp gửi đi cho khách hàng ở xa. Việc thu hoạch sen thường được thực hiện vào sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh ánh nắng mặt trời. Hoa sen sau thu hoạch nếu gặp ánh nắng mặt trời và gió thì dễ bị táp cánh. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, ông Xuân còn xuất bán hoa sen đi các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Thanh Hóa… Lượng hoa tiêu thụ mạnh vào những dịp lễ, ngày rằm, mùng 1, lúc cao điểm, mỗi ngày ông xuất bán được hàng vạn bông sen. Với giá bán hoa sen từ 3.000 đến 5.000 đồng/bông, mỗi năm mang lại cho gia đình ông thu nhập trên 300 triệu đồng.

Với phương châm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương huyện Kim Động đã khuyến khích, vận động nông dân chuyển đổi một số diện tích cấy lúa vùng thấp trũng sang trồng sen. Mô hình trồng sen ở ao, hồ và ruộng lúa thấp trũng đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân, mở ra triển vọng cho sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng đa canh. Đồng chí Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động cho biết: Hiện nay, diện tích trồng sen trên địa bàn huyện hơn 30ha, tập trung ở các xã như: Ngọc Thanh, Chính Nghĩa, Phạm Ngũ Lão... Các giống sen được trồng chủ yếu là: Sen hồng, sen trắng, sen Nhật lấy củ, các giống sen nhập ngoại lấy hoa; thời vụ trồng từ tháng 2 - 3, thời gian thu hoạch từ tháng 5 - 9; trung bình một sào trồng sen cho thu nhập từ 5 đến 30 triệu đồng, cao gấp 5 - 7 lần so với cấy lúa.

Tại xã Ngọc Thanh, do nằm ở vùng trũng, với nhiều sông, hồ và chân ruộng sâu trũng, nên những năm qua, người dân trong xã đã khai thác diện tích mặt nước ao, hồ, ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng sen. Đến nay, toàn xã có khoảng 30 mẫu trồng sen hồng và sen Nhật lấy củ. Gia đình anh Nguyễn Đình Hòa ở thôn Duyên Yên là hộ có diện tích trồng sen lớn nhất của xã Ngọc Thanh với gần 17 mẫu; trong đó có 5 sào trồng giống sen Nhật lấy củ, diện tích còn lại anh trồng sen hồng lấy hạt. Anh Hòa cho biết: Sen là loại cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, tỉ lệ hao hụt thấp, chỉ mất chi phí đầu tiên cho lần xuống giống, sau đó, chỉ chăm sóc bón phân và thu hoạch trong nhiều năm. Sen lấy hạt cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8; sen lấy củ thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 12. Mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch trên 7 tấn hạt sen bán với giá từ 35.000 đến 60.000 đồng/kg và trên 4 tấn củ sen bán với giá từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ thuận lợi, các thương lái tìm đến thu mua tận nơi. Từ trồng sen, mỗi năm mang lại cho gia đình tôi thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

Gia đình anh Nguyễn Đình Hòa ở thôn Duyên Yên, xã Ngọc Thanh (Kim Động) trồng sen Nhật lấy củ cho hiệu quả kinh tế cao

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 55ha trồng sen, tập trung nhiều ở các huyện: Kim Động, Phù Cừ, Ân Thi và thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào… Hiện nay, các sản phẩm từ cây sen tiêu thụ rất thuận lợi, người trồng không phải lo tìm đầu ra mà được thương lái đến tận nơi đặt hàng, thu mua. Không chỉ bán hạt, hoa, củ, các bộ phận khác của cây sen như: lá, tâm, nhụy, ngó cũng có thể bán được, tăng thêm thu nhập cho nông dân. Việc chuyển đổi từ cây lúa sang trồng sen đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của địa phương, đồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập và làm đẹp thêm cảnh quan làng quê. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương sẽ hướng dẫn người người dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm từ sen nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm; tìm kiếm, phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân...

Hương Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202305/hieu-qua-kinh-te-tu-nhung-mo-hinh-trong-sen-0e80212/