Hiệu quả mô hình không giao dịch tiền mặt trực tiếp

Sau hơn 1 tháng triển khai thí điểm mô hình không giao dịch tiền mặt trực tiếp tại trụ sở ở Kho bạc Nhà nước (KBNN) huyện Đại Từ, đến nay, những kết quả ban đầu đạt được rất tích cực. Đây là cơ sở để KBNN tỉnh xem xét, nhân rộng mô hình này trên địa bàn.

Do không còn thực hiện thu, chi tiền mặt trực tiếp tại trụ sở nên KBNN huyện Đại Từ có điều kiện tăng cường thêm nhân lực cho công tác kiểm soát thu, chi ngân sách Nhà nước.

Do không còn thực hiện thu, chi tiền mặt trực tiếp tại trụ sở nên KBNN huyện Đại Từ có điều kiện tăng cường thêm nhân lực cho công tác kiểm soát thu, chi ngân sách Nhà nước.

Theo ông Đỗ Thái Hưng, Giám đốc KBNN huyện Đại Từ, việc triển khai thí điểm không giao dịch tiền mặt trực tiếp tại trụ sở của KBNN Thái Nguyên, KBNN huyện Đại Từ đã có sự chuẩn bị chặt chẽ và thực hiện một cách bài bản, thận trọng nên đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các ngân hàng thương mại (NHTM), cũng như sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng tham gia của các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án… Thực hiện thí điểm mô hình không giao dịch tiền mặt trực tiếp tại trụ sở KBNN, từ ngày 1/2/2021, KBNN huyện đã thực hiện việc ủy nhiệm toàn bộ hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước qua các NHTM nơi chúng tôi mở tài khoản chuyên thu, tài khoản thanh toán. Qua triển khai cho thấy, mô hình này mang lại lợi ích cho cả kho bạc, đơn vị sử dụng ngân sách cũng như các NHTM.

Thực tế, hoạt động ủy nhiệm thu, chi đã được hệ thống kho bạc nói chung, KBNN huyện Đại Từ nói riêng thực hiện qua NHTM, trong đó bao gồm cả thu, chi ngân sách bằng tiền mặt. Đặc biệt đối với công tác chi ngân sách, từ năm 2018, công việc này đã được tiến hành đối với những khoản chi từ 100 triệu đồng trở lên/lần giao dịch. Điều này đã giúp giảm tải một lượng khá lớn công việc cho KBNN. Nhờ vậy, đơn vị có điều kiện tăng cường thêm nhân lực cho các hoạt động nghiệp vụ. Ngoài ra, vấn đề an ninh, an toàn tiền tài sản, cũng như các chi phí trong hoạt động quản lý, điều chuyển tiền mặt được giảm thiểu đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động chung của KBNN.

Chị Phạm Thị Lan Anh, Kế toán Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Đại Từ cho rằng: Nhờ thực hiện không giao dịch tiền mặt trực tiếp tại trụ sở KBNN, hiện nay, cùng với việc thực hiện các giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến, trước mắt, chúng tôi chỉ phải đến Kho bạc để đối chiếu chứng từ theo tháng, quý, năm trong khi ứng dụng dịch vụ công trực tuyến KBNN đang được hoàn thiện. Điều này giúp những người làm kế toán như tôi chủ động hơn trong công việc, có thêm thời gian để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị.

Thực tế cho thấy, việc nộp, rút tiền tại các NTTM thay vì tại Kho bạc là xu thế tất yếu trong thời đại hiện nay. Các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ nên tập trung thực hiện nhiệm vụ liên quan đến các thủ tục hành chính, như hướng dẫn, xử lý các vấn đề nghiệp vụ, về cơ chế chính sách...; còn hoạt động mang tính chất dịch vụ nên để các tổ chức cung ứng dịch vụ như các NHTM đảm nhiệm. Có thể nói, qua một thời gian triển khai, mô hình thí điểm không giao dịch tiền mặt trực tiếp tại trụ sở KBNN huyện Đại Từ đã được thực hiện bảo đảm đúng tiến độ, mục tiêu đề ra. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để KBNN huyện Đại Từ tiếp tục triển khai trong thời gian tới, cũng như để KBNN Thái Nguyên nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh (dự kiến trong quý III/2021). Đồng thời cũng là nền tảng quan trọng thực hiện Kho bạc không chứng từ giấy, không tiền mặt, không khách hàng giao dịch, từ đó sớm hình thành Kho bạc số theo định hướng của Chính phủ và Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.

Thu Hằng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/hieu-qua-mo-hinh-khong-giao-dich-tien-mat-truc-tiep-282150-108.html