Hiệu quả mô hình kinh tế tổng hợp trên bể bạt

Đoạt giải Nhì tại Chương trình 'Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2022' mô hình 'Nuôi trùn quế kết hợp nuôi lươn trên bể bạt' của thanh niên Lò Văn Khải, dân tộc Thái, sinh viên lớp K57 trồng trọt - bảo vệ thực vật, Khoa nông nghiệp, Trường cao đẳng Sơn La, là mô hình hiệu quả, được đánh giá cao, nhiều triển vọng, phù hợp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình nuôi trùn quế kết hợp nuôi lươn trên bể bạt

Mô hình nuôi trùn quế kết hợp nuôi lươn trên bể bạt

Trò chuyện về ý tưởng của mô hình, Lò Văn Khải, chia sẻ: Em sinh ra và lớn lên ở xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, người dân chủ yếu làm kinh tế chăn nuôi, trồng trọt. Nhận thấy, nguồn chất thải của gia súc ở địa phương rất dồi dào, chưa được tận dụng triệt để, cộng với kiến thức đã được học ở nhà trường, em đã áp dụng vào thực tế để nuôi trùn quế, làm thức ăn nuôi lươn. Sau đó, em đã đề suất ý tưởng nuôi trùn quế kết hợp nuôi lươn trên bể bạt là đề tài mang đi dự thi Chương trình “Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2022”, được nhà trường ủng hộ, tạo điều kiện nghiên cứu, thực hiện.

Dẫn chúng tôi thăm quan mô hình, Khải giới thiệu: Để triển khai đề tài, em phối hợp với 2 bạn cùng khoa hỗ trợ tìm địa điểm thích hợp để làm bể nuôi lươn, tạo luống nuôi trùn, bước đầu triển khai có vấp phải nhiều khó khăn, như: Chưa có địa điểm thích hợp để thực hiện mô hình, kinh phí hạn hẹp... Rất may, được nhà trường cho chúng em mượn địa điểm triển khai đề tài nay trong khuôn viên nhà trường và hỗ trợ 10 triệu đồng đầu tư 6 bể bạt, 5 kg lươn giống và 12 mét vuông nuôi trùn. Khi bắt tay vào nuôi trùn, dù đã thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật nhưng trùn chết nhiều, không đủ thức ăn để nuôi lươn.

Khải cùng giảng viên kiểm tra sự sinh trưởng của trùn quế.

Khải cùng giảng viên kiểm tra sự sinh trưởng của trùn quế.

Sau nghiên cứu, em phát hiện ra nguyên nhân là do nguồn phân thức ăn cho trùn không đảm bảo, dính tạp chất, quá nhiều đạm. Chúng em đã khắc phục bằng cách sử sụng chế phẩm men vi sinh và ủ từ 1-2 tuần rồi mới cho trùn ăn. Từ đó, trùn bắt đầu sinh trưởng phát triển tốt, sau 3 tháng số lượng trùn đã tăng gấp 4 lần so với ban đầu. Đặc biệt, mô hình này sử dụng các vật liệu bền, rẻ, sẵn có để làm chuồng trại, bể nuôi (tre, nứa, bạt, ống nhựa pvc...) và dễ lắp đặt, áp dụng trên mọi địa hình; nguồn nước sạch tự nhiên là môi trường sống rất phù hợp cho lươn.

Với sự kiên trì, quyết tâm, chịu khó của Khải và các bạn, sau 6 tháng, mô hình đã cho thu hoạch, có thể xuất bán cả giống và thương phẩm, với sản lượng lươn đạt 40kg. Từ mô hình, nhóm của Khải còn tạo ra 5 sản phẩm, gồm: Lươn thịt tươi thương phẩm, lươn chiên giòn, trùn quế giống, trùn quế thương phẩm và phân trùn quế.

Lò Văn Khải chăm sóc trùn quế.

Lò Văn Khải chăm sóc trùn quế.

Giảng viên Vũ Minh Toàn, Trưởng khoa nông nghiệp, Trường cao đẳng Sơn La, đánh giá: Đây là mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế. Vì vậy, nhà trường đã và đang khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để các sinh viên hoàn thiện mô hình. Hy vọng, thời gian tới, các em sẽ xây dựng dự án sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm, chủ động nguồn giống, nhất là có sản phẩm từ dự án xuất bán ra thị trường.

Chứng kiến Khải triển khai mô hình từ những ngày đầu, ông Quản Việt An, tổ 2, phường Chiềng Sinh, Thành phố, nhận thấy mô hình nuôi trùn quế rất tốt, phù hợp với khu vườn của mình, nên ông nhờ Khải hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm. Qua sự hướng dẫn của Khải, ông An đã thực hiện thành công mô hình này. Ông An chia sẻ: Nhờ Khải hướng dẫn, tôi đã nuôi thành công trùn quế, tạo được nguồn thức ăn để chăn nuôi gà đẻ trứng, tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi, tăng sản lượng trứng.

Sản phẩm lươn sấy khô.

Sản phẩm lươn sấy khô.

Chia sẻ về hướng phát triển, Khải nói: Trong thời gian tới, em sẽ nghiên cứu mở rộng quy mô tối thiểu với diện tích 100m² bể nuôi lươn, 200m² bể nuôi trùn; chuyển giao mô hình. Đồng thời, thương mại hóa sản phẩm của dự án, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm; hoàn thiện quy trình nuôi lươn sinh sản hướng tới chủ động nguồn cung cấp lươn giống ổn định. Phấn đấu có thu nhập trung bình 25 triệu/tháng, sau khi trừ chi phí.

Bước đầu mô hình "Nuôi trùn quế kết hợp với nuôi lươn trên bể bạt" rất phù hợp với địa phương, tận dụng được phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư ít. Với sự kiên trì, ham học hỏi, trong một ngày không xa, những nỗ lực của Lò Văn Khải sẽ được đền đáp.

Lam Giang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hieu-qua-mo-hinh-kinh-te-tong-hop-tren-be-bat-53722