Hiệu quả mở rộng quy mô vệ sinh tại huyện Nậm Pồ

ĐBP - Chương trình 'Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả' từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới triển khai tại địa bàn 4 xã: Si Pa Phìn, Chà Cang, Chà Nưa, Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ) thời gian qua đã mang lại những hiệu quả tích cực. Qua đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần phòng, chống các dịch bệnh thường gặp, nâng cao sức khỏe người dân.

Để chương trình đạt hiệu quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi, đẩy mạnh triển khai hoạt động tại địa bàn các xã tham gia chương trình. Ông Tô Trọng Ngọc Linh, Đội Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ cho biết: Với công tác truyền thông, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để người dân dễ dàng tiếp cận. Như việc tổ chức Ngày hội vệ sinh cấp xã và thi vẽ tranh tuyên truyền về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân giữa các thôn, bản của 4 xã nằm trong chương trình. Qua đó, truyền tải các thông điệp truyền thông về vệ sinh môi trường, đặc biệt là làm và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình thông qua các tiểu phẩm truyền thông do các bản biểu diễn và thi vẽ tranh về vệ sinh môi trường giữa các thôn, bản, trường học… Kết quả, đã có 350 người thuộc 30/30 thôn, bản, ban ngành, đoàn thể của các xã: Nậm Khăn, Chà Cang, Chà Nưa, Si Pa Phìn tham gia hưởng ứng Ngày hội; tổ chức được 20 tiết mục văn nghệ chào mừng và hưởng ứng Ngày hội; thành lập 20 đội thi vẽ tranh tuyên truyền về vệ sinh môi trường giữa các thôn bản… Ngoài hoạt động trên, chúng tôi tổ chức phát trên loa phát thanh xã 2 lần/năm, mỗi lần 3 bài với nội dung: Nước sạch hợp vệ sinh, chế độ ăn uống, vệ sinh cá nhân; sử dụng và bảo vệ nguồn nước, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; lợi ích của việc rửa tay bằng xà phòng. Để tăng tính hiệu quả của công tác truyền thông, chúng tôi phối hợp với trạm y tế các xã tổ chức họp dân chuyên đề vệ sinh tại bản của các xã: Nậm Khăn, Chà Nưa, Chà Cang, Si Pa Phìn. Riêng trong năm 2021 đã tổ chức được 2 lần truyền thông trực tiếp tại cộng đồng với 750 người ở 30 thôn bản tham dự. Theo thống kê có trên 80% người dân được hướng dẫn về cách thức xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, cách sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh, các thời điểm rửa tay phù hợp…

Năm 2021, Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 2 xã Chà Cang, Si Pa Phìn rà soát, hướng dẫn 70 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách chưa có nhà tiêu hoặc có nhà tiêu chưa hợp vệ sinh tiến hành đăng ký xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình. Các đơn vị đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, tiếp thị vệ sinh, phát triển thị trường vệ sinh giá rẻ, kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình cho tuyên truyền viên, cộng tác viên nòng cốt tuyến xã, thôn, bản tại 2 xã Chà Cang, Si Pa Phìn. Mỗi đợt tập huấn 4 - 5 ngày, kết quả là 70/70 hộ gia đình đồng ý cam kết xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định của chương trình. Tiếp đó, cán bộ giới thiệu một số mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh, giá rẻ, phù hợp với điều kiện của địa phương, cộng đồng. Đồng thời, hướng dẫn, thực hành kỹ thuật xây dựng một số mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh, cách hạ giá thành trong xây dựng nhà tiêu hộ gia đình tại cộng đồng. Sau khi tập huấn 90% hộ gia đình được giới thiệu mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh giá rẻ, phù hợp với điều kiện của địa phương, cộng đồng. Ngoài ra, các hộ gia đình biết quy cách xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định của chương trình. Ông Tô Trọng Ngọc Linh cho biết: Lúc đầu nhận thức của người dân chưa được cao, tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ tăng ít qua mỗi năm. Nhiều khi phải tuyên truyền cả vào ban đêm vì họ đi nương đến tối mới về. Dù có truyền thông liên tục nhưng vẫn phải có sự vào cuộc của chính quyền vận động 3 - 4 lần người dân mới làm nhà vệ sinh. Thậm chí có đợt chúng tôi còn phải “xắn tay” đào hố bể phốt cho người dân đến 21 giờ đêm mới về. Người dân thấy thế mới chịu làm nhà tiêu hợp vệ sinh… Tính đến ngày 20/11, Chương trình hoàn thành 60/70 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, dự kiến hết 30/11 sẽ hoàn thành 10 công trình còn lại trong năm 2021. Như vậy, lũy tích cộng dồn từ năm 2019 đến nay đã và sẽ có 230 hộ thuộc 4 xã Chương trình được hỗ trợ nhà tiêu thấm dội hợp vệ sinh.

Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/192366/hieu-qua-mo-rong-quy-mo-ve-sinh-tai-huyen-nam-po