Hiệu quả nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát

Từ mấy năm nay, nhờ sử dụng đúng, hiệu quả nguồn ngân sách hỗ trợ từ dịch vụ môi trường rừng và Dự án KFW8 (Cộng hòa Liên bang Đức), Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã bảo vệ tốt diện tích rừng đặc dụng, bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân.

Bảo vệ rừng và đa dạng sinh học

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có diện tích hơn 18.000 ha, trải dài trên 5 xã: Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ và Nậm Pung. Tại đây, đã phát hiện và tổng hợp được 976 loài thực vật, trong đó có 137 loài nguy cấp, quý hiếm như: Hoàng Liên gai, Kim Tuyên tơ, Kiền lan sớm hoa to… Về động vật, đã phát hiện 173 loài có xương sống, trong đó 52 loài nguy cấp, quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới có giá trị bảo tồn cao như: Cóc núi, Cóc sừng đỏ…

Tuần tra, bảo vệ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Tuần tra, bảo vệ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Có dịp đi khảo sát rừng già nguyên sinh Y Tý, với những thân cây cổ thụ nhiều năm tuổi và hệ thực vật phong phú, đa tầng; đi sâu vào rừng đặc dụng ở Dền Sáng, Trung Lèng Hồ, Nậm Pung, chúng tôi thấy rõ hơn hiệu quả của công tác bảo vệ rừng.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Trưởng Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát Ngô Kiên Trung cho biết, hai nguồn kính phí từ dịch vụ môi trường rừng và Dự án KFW8 của Cộng hòa Liên bang Đức đã hỗ trợ đắc lực cho việc bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và tạo sinh kế, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân ở 5 xã nhận khoán bảo vệ rừng với đơn vị.

Chúng tôi đến Nhà văn hóa thôn Khu Chu Phìn, xã Sàng Ma Sáo, huyện biên giới Bát Xát. Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Khu Chu Phìn là Tráng A De đang kiểm tra giày ủng, dao phát, bi đông nước, mũ đội đầu của từng thành viên trong nhóm tuần rừng định kỳ theo kế hoạch đã đề ra từ đầu hàng tháng. “Hôm nay, Tổ tuần rừng thôn Khu Chu Phìn đi bốn người, chia theo tuyến chính từ mốc 1 đến mốc 9 và tuyến phụ theo “đường xương cá”, luồn sâu vào lõi rừng để kiểm tra hiện trạng rừng”- anh De cho biết.

Xuất phát từ nhà văn hóa thôn, đội tuần rừng nai nịt gọn gàng, rồi theo hàng lối tiến sâu vào vùng rừng xanh thẫm trước mặt, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Một chuyến đi tuần rừng như vậy, kéo dài từ sáng đến tối mịt, thời tiết xấu có khi phải ngủ lại trong rừng.

Theo Chủ tịch UBND xã Sàng Ma Sáo Lý A Khoa, toàn xã xây dựng 9 Tổ bảo vệ rừng ở mỗi thôn, bản, mỗi tổ có từ 7 - 8 thành viên, do bà con trong thôn bầu lên, gồm những người có sức khỏe, gương mẫu, có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng. Thông thường mỗi thành viên trong tổ đi tuần rừng từ hai lần trở lên/tháng, tổ trưởng theo dõi, chấm công từng thành viên, bảo đảm chi trả tiền công thực tế, minh bạch, công bằng theo hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng.

Để quản lý tốt rừng đặc dụng tại đây, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã ký hợp đồng giao khoán với 32 tổ bảo vệ rừng ở tất cả các thôn, do bà con từng thôn bầu ra, với những điều khoản cụ thể, rõ ràng. Căn cứ vào kết quả tuần tra bảo vệ rừng thực tế ở các thôn, có chấm công và hậu kiểm chặt chẽ, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Lào Cai và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, bình quân khoảng 6 tỷ đồng/năm.

Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Bên cạnh đó, từ nguồn hỗ trợ của Dự án KFW8 do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ. Dự án nhằm cải thiện đa dạng sinh học cho các khu bảo tồn; làm gia tăng giá trị kinh tế và sinh thái, tạo thu nhập trước mắt cho người dân; góp phần sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải CO2. Với khoảng 5 tỷ đồng/năm từ nguồn vốn này, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã tập trung củng cố kiện toàn các tổ bảo vệ rừng, làm đường tuần tra rừng và nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học tại đây.

Đến nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã củng cố 32 tổ bảo vệ rừng cấp thôn, với 200 thành viên tham gia; giao khoán hơn 16.000 ha rừng đặc dụng, không để mất rừng. Trong năm 2020, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp điều tra, khảo sát sự phân bố của cây Hoàng Liên gai lá dài, đồng thời lập danh mục 8 loài cây dược liệu quý, thuộc diện nguy cấp. Từ đầu năm đến nay, đơn vị phối hợp với Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga khảo sát, nghiên cứu các loài nấm trong khu bảo tồn, cho kết quả bước đầu khả quan.

Tạo sinh kế, cải thiện đời sống người dân nhận khoán bảo vệ rừng

Nói chuyện với chúng tôi, anh Ngô Kiên Trung bộc bạch: Điều anh tâm đắc nhất là giữ được rừng nguyên vẹn thì được rất nhiều cái lợi vừa trước mắt, vừa lâu dài, rất bền vững. Lớp trẻ và du khách thành thị bây giờ rất thích đến khám phá rừng nguyên sinh Y Tý. Giữ rừng là giữ được vốn tài nguyên phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, kéo được du khách đến với mình.

Minh chứng rõ nhất là hàng chục hộ đồng bào Hà Nhì ở Y Tý đã chuyển sang làm du lịch homestay, tạo việc làm và thu nhập ổn định, bền vững, đẩy nhanh thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Từ Y Tý đã và đang lan tỏa đến Dền Sáng, Sàng Ma Sáo với các tua leo núi, đi bộ, khám phá bản làng, đồng ruộng người Dao, Mông. Cùng với việc quy hoạch đô thị huyện lỵ tương lai ở Y Tý, đường giao thông đang được cải tạo, nâng cấp, chắc chắn Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát sẽ là một điểm nhấn, có sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước, tạo thêm sinh kế cho đồng bào nơi đây, xóa nghèo nhanh và bền vững, có cơ hội vươn lên làm giàu.

Mua bếp gas cho người dân ở thôn Khu Chu Phìn, xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát) từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng.

Mua bếp gas cho người dân ở thôn Khu Chu Phìn, xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát) từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng.

Từ lâu, theo điều kiện tự nhiên và tập quán lâu đời, bà con người Dao, Mông, Giáy, Hà Nhì ở các xã thuộc Khu Bảo tồn vẫn sử dụng củi làm chất đốt, phục vụ sinh hoạt hằng ngày, vừa tốn thời gian và công sức vừa khó bảo vệ rừng, nguy cơ gây cháy rừng cao, nhất là mùa hè khô nóng. Từ thực tế đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã lên phương án vận động người dân sử dụng bếp gas thay đun nấu bằng củi. Hôm chúng tôi đến, đúng bữa trưa, chị Vừ Thị Chí, dân tộc Mông sử dụng bếp gas thành thạo, chỉ một nhoáng đã xong mâm cơm khá thịnh soạn đãi khách. Trong bữa ăn, chị cười vui vẻ: "Nhờ có cái bếp gas này mình không lo phải tích trữ củi, không phải leo rừng, chặt củi rách cả tay, địu củi chai cả vai nữa”. “Vậy lấy tiền đâu mua bếp và bình gas”- tôi hỏi. Chị Vừ Thị Chí trả lời ngay: “Tiền dịch vụ môi trường rừng cả thôi”.

Thì ra, cuối mỗi năm, Ban quản lý Khu Bảo tồn và chính quyền xã Sàng Ma Sáo kiểm tra, xác nhận công tuần tra bảo vệ rừng và thực tế chất lượng rừng được giao khoán bảo vệ để nghiệm thu và chi trả cho cộng đồng thôn khoảng 200 triệu đồng từ nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng. Có tiền, bà con bàn bạc và thống nhất với Khu Bảo tồn mua cho mỗi hộ 1 bếp ga, 1 bình gas loại 12 kg và 3 cái nồi, thế là 147 hộ đồng bào Mông trong thôn Khu Chu Phìn đều sử dụng bếp gas, vừa bớt vất vả kiếm củi vừa bảo vệ rừng tốt hơn. Sang những năm tới, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát sẽ nhân rộng ra toàn xã Sàng Ma Sáo, tiến tới ra cả 5 xã trên địa bàn.

Tính trung bình, mỗi năm bà con dân tộc thiểu số ở 5 xã nhận khoán bảo vệ rừng với Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát và nhận về khoảng 6 tỷ đồng, góp phần tạo sinh kế, thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân nơi đây.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349443-hieu-qua-nguon-von-dich-vu-moi-truong-rung-o-khu-bao-ton-thien-nhien-bat-xat