Hiệu quả sau 3 năm xây dựng mô hình 'Dòng họ học tập'

Thời gian qua, việc xây dựng các mô hình học tập theo Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các mô hình học tập này đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng học tập của học sinh, sinh viên. Đặc biệt mô hình 'Dòng họ học tập' không chỉ hạn chế tối đa việc bỏ học giữa chừng của học sinh, sinh viên mà còn góp phần thực hiện nếp sống văn minh, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở...

 Dòng họ Hoàng Công, làng An Trú, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài

Dòng họ Hoàng Công, làng An Trú, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài

Đến nay toàn tỉnh có 2.159 dòng họ, trong đó có 1.205 dòng họ đăng kí xây dựng mô hình “Dòng họ học tập” chiếm tỉ lệ 55,81%; có 915 dòng họ được công nhận là “Dòng họ học tập” chiếm tỉ lệ 42,38%. Những năm qua, để xây dựng mô hình “Dòng họ học tập” hiệu quả, các dòng họ trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thành lập Ban Khuyến học dòng họ nhằm chăm lo tốt cho công tác khuyến học, khuyến tài. Hằng năm, ngoài việc khen thưởng cho học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt, các Ban Khuyến học dòng họ từng bước quan tâm, chăm lo đến các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học để giúp đỡ các cháu tiếp tục đến trường. Đồng thời vận động các cháu học giỏi kèm cặp các cháu học kém, tổ chức các nhóm tự quản trong giờ tự học. Bên cạnh đó, các Ban Khuyến học dòng họ luôn nêu cao việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu thông qua gia phả dòng họ, nêu gương người tốt, việc tốt, từ đó hướng các thế hệ con cháu nỗ lực hơn trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Sau hơn 3 năm triển khai mô hình “Dòng họ học tập”, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều dòng họ làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, điển hình như các dòng họ: Nguyễn Khắc ở thôn Lễ Môn, xã Gio Phong, huyện Gio Linh; Hoàng Công ở làng An Trú, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong; Hoàng Ngọc, thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ....

Dòng họ Nguyễn Khắc thôn Lễ Môn, xã Gio Phong có 115 hộ dân, hiện có trên 125 cháu đang theo học ở các bậc học, 279 người dân ở độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi. Gần 20 năm xây dựng Ban Khuyến học, họ Nguyễn Khắc đã biểu dương, khen thưởng 682 cháu học giỏi, 56 cháu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, khen thưởng các hội viên tích cực học tập nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Nhờ tích cực học tập, tự tìm tòi, học hỏi mô hình làm ăn nên nhiều hộ gia đình đã có đời sống kinh tế khấm khá, tỉ lệ hộ nghèo trong họ giảm chỉ còn 2%. Bên cạnh đó, dòng họ có 86% gia đình đạt gia đình văn hóa, 81,5% gia đình đạt gia đình học tập.

Dòng họ Hoàng Công ở làng An Trú, xã Triệu Tài là một trong những dòng họ có bề dày lịch sử ra đời hơn 600 năm. Đến nay dòng họ đã trải qua 19 thế hệ với hơn 88 hộ cùng 535 khẩu đang sinh sống trên nhiều địa phương trong cả nước. Mặc dù cuộc sống còn gặp không ít khó khăn nhưng với truyền thống hiếu học, dòng họ Hoàng Công đã làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Hiện dòng họ có gần 100 người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, 10 chủ doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Dòng họ Hoàng Công đã từng được bầu là đại biểu tham dự Đại hội tuyên dương dòng họ hiếu học do Trung ương Hội Khuyến Học Việt Nam tổ chức.

Nhiều năm nay, dòng họ Hoàng Công luôn duy trì lớp học bồi dưỡng hè cho học sinh tại nhà thờ họ. Mỗi tuần lớp học hè này luôn duy trì đều đặn 3 buổi vào thứ 3, 5, 7 và mỗi buổi đều có giáo viên bộ môn khác nhau giảng dạy. Hơn 25 giáo viên dạy học ở đây đều là người trong dòng họ và tự nguyện tham gia giảng dạy thay phiên nhau. Ở tại nhà thờ họ, lớp học luôn diễn ra cởi mở, gần gũi vì giữa học sinh và thầy, cô giáo có mối quan hệ thân tộc khăng khít. Đối với những người lớn tuổi không còn điều kiện ngồi trên ghế nhà trường, thông qua các dịp giỗ, chạp, tảo mộ, Ban Khuyến học dòng họ vận động bà con tham gia học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng thôn, xã để tự nâng cao trình độ. Từ kiến thức đã học được, các hộ dân trong dòng họ đã áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng nếp sống văn minh, góp phần xây dựng quê hương. Nhiều năm nay, dòng họ Hoàng Ngọc ở thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu là dòng họ đi đầu trong công tác xây dựng họ tộc không có người vi phạm pháp luật. Dòng họ Hoàng Ngọc ở thôn Vĩnh An có 140 hộ, khi bắt tay vào xây dựng mô hình dòng họ không có người vi phạm pháp luật thì nền nếp gia phong, dòng tộc ngày càng được giữ gìn, phát huy. Từ trước đến nay, năm nào dòng họ cũng tổ chức trao học bổng khuyến học, khuyến tài, triển khai xây dựng các mô hình học tập nhằm giáo dục con cháu phấn đấu học giỏi, tích cực rèn đức, luyện tài, tránh xa các thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội. Chỉ trong thời gian ngắn xây dựng mô hình dòng họ không có người vi phạm pháp luật, dòng họ Hoàng Ngọc đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn xã, huyện. Đồng thời, các hộ gia đình trong dòng họ đã thực hiện hiệu quả các phong trào do địa phương phát động; nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung, sau 3 năm triển khai xây dựng mô hình “Dòng họ học tập”, nhiều dòng họ trên địa bàn tỉnh không những làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài mà còn lồng ghép với việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng dòng họ không có tội phạm, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua do địa phương phát động. Các bậc cao niên, chức sắc và Ban Khuyến học của dòng họ thường vận động con cháu trong họ, tộc nêu cao tinh thần yêu nước, ra sức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phú Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141114