Hiệu quả thực hiện Chương trình 135 ở Trung Sơn

Trung Sơn là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn. Những năm qua, Trung Sơn đã biết tranh thủ, vận dụng có hiệu quả Chương trình 135 đầu tư công trình hạ tầng nông thôn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo. Từ một địa phương nghèo khó giờ đây Trung Sơn đang chuyển mình với san sát nhà cao tầng khang trang, đường bê tông đến tận thôn bản. Chương trình 135 đã thực sự làm cho vùng quê nơi đây 'bừng sáng'.

Những cây cầu ước mơ

Bao năm qua con suối đi qua vùng sản xuất nông nghiệp của thôn Nà Ho luôn là nỗi ám ảnh của 178 hộ dân nơi đây. Vào mùa mưa, nước từ đầu nguồn đổ về, chảy xiết, mọi hoạt động thông thương, sản xuất của người dân trong thôn bị gián đoạn. Bởi vậy, người dân Nà Ho luôn đau đáu ước mong có 1 cây cầu kiên cố. Mãi đến năm 2019, ước mơ ấy mới trở thành hiện thực khi cây cầu tràn liên hợp thôn Nà Ho được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135.

Ông Đặng Quốc Chính, người dân thôn Nà Ho phấn khởi cho biết, trước kia chưa có cầu tràn việc đi lại phát triển sản xuất của người dân thôn Nà Ho gặp rất nhiều khó khăn. Vào mùa thu hoạch, để vận chuyển nông sản phải chia nhỏ thành nhiều chuyến mới chuyển hết. Từ ngày có cây cầu, việc đi lại trở nên dễ dàng hơn, tiết kiệm được thời gian và công sức, nhất là không còn chịu cảnh thương lái bị ép giá, hàng hóa được mang đến tận nơi phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con.

Người dân thôn Nà Quang cũng có chung niềm vui giống người dân Nà Ho khi có cây cầu mới. Năm 2018, từ nguồn vốn của Chương trình 135, Nà Quang được hỗ trợ hơn 700 triệu đồng xây dựng cây cầu tràn. Thấy được ý nghĩa của việc xây cầu đem lại quyền lợi cho dân, các hộ trong thôn đã đồng thuận và tình nguyện hiến đất mà không đòi hỏi đền bù. Điển hình như của 3 hộ gia đình đã hiến 50 m2 đất trồng cây lâu năm, cây hoa màu để xây dựng cầu.

Cầu tràn liên hợp thôn Nà Ho, xã Trung Sơn được đầu tư từ vốn Chương trình 135 (tháng 2-2020).

Anh Triệu Văn Đức, Trưởng thôn Nà Quang phấn khởi bộc bạch, con suối đi qua khu vực trồng rừng của thôn. Từ ngày có cây cầu bắc qua, đời sống của bà con ngày càng khấm khá. Có xe ô tô đi vào tận vườn, giá gỗ rừng cũng tăng lên. Trước đây gỗ tại vườn chỉ được 900 đến 1 triệu/m3, nay được 1,3 triệu đồng/m3. Cũng vì thế, công tác giảm nghèo ở đây được thực hiện ngày càng hiệu quả. Năm 2019, thôn giảm được 19 hộ nghèo, phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm 20 hộ nghèo.
Động lực thoát nghèo

Chủ tịch UBND xã Trung Sơn Nguyễn Văn Dần cho biết: Giai đoạn 2015 - 2019, xã được đầu tư hơn 4 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Những nguồn vốn này thực sự là “chiếc cần câu” giúp người dân nơi đây vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Để đảm bảo hiệu quả, phát huy được nguồn ngân sách Trung ương, chính quyền xã đã thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo, ban quản lý cấp xã và các tổ quản lý ở các thôn. Trong quá trình triển khai có sự vào cuộc của ban giám sát đầu tư cộng đồng xã. Vì vậy, các công trình đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất của nhân dân trong xã đã phát huy được hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong xã phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Từ năm 2015 - 2019, xã Trung Sơn được hỗ trợ sản xuất hơn 1 tỷ đồng từ dự án Chương trình 135 cho nhân dân trong xã như mua máy nông nghiệp cho 26 nhóm hộ, 50 hộ nghèo được hỗ trợ mua giống lợn sinh sản, 53 hộ nghèo được hỗ trợ mua máy cắt cỏ, 6 thôn được hỗ trợ mua máy giống chè năng suất cao, 34 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ nuôi ong. Đến nay, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ phát triển sản xuất. Như gia đình anh Chu Văn Tý thôn Nà Ho, gia đình anh Triệu Văn Vi, gia đình anh Nguyễn Đức Mậu, thôn Nà Quang... Câu chuyện thoát nghèo của gia đình anh Ngô Ngọc Khuê, thôn Nà Quang được người dân khâm phục. Anh từng phải đi làm thuê quanh năm nhưng chẳng thể dư giả. Năm 2011, khi nhà nước có chương trình hỗ trợ cây giống và kỹ thuật trồng rừng, gia đình anh Khuê là một trong những hộ tiên phong đăng ký trồng rừng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, lấy ngắn nuôi dài mà cánh rừng 5 ha đã được phủ xanh từ cây keo và cây mỡ. Sau 8 năm chăm sóc, những cánh rừng lần lượt cho thu hoạch, cuộc sống của gia đình anh bớt khó khăn. Từ phát triển trồng rừng anh Khuê xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy là hộ nghèo của thôn Nà Đỏng. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, dù quanh năm lam lũ với ruộng vườn, đồi nương nhưng cứ đến kỳ giáp hạt lại chạy vạy từng bữa. Quyết tâm không để đói nghèo đeo đẳng mãi, năm 2018, khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chị Thúy đã đầu tư mua trâu và chăn nuôi gia cầm, mua máy làm đậu phụ. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên kinh tế ổn định hơn trước, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu được từ 50 - 70 triệu đồng.

Với những nỗ lực thoát nghèo của chính những người dân và sự chung tay, giúp đỡ, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2019, giảm từ 31,9% xuống còn 26%, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 8 đến 10%. Qua những câu chuyện vượt khó thoát nghèo và biết tận dụng hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135 ở Trung Sơn cho thấy Chương trình 135 chính là động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo, hướng tới cuộc sống ấm no.

Bài, ảnh: Cảnh Trực

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/hieu-qua-thuc-hien-chuong-trinh-135-o-trung-son-131064.html