Hiệu quả từ các chính sách giảm nghèo ở Đà Nẵng

Trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, chương trình giảm nghèo trên địa bàn TP Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống của hộ nghèo được nâng lên. Nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo đặc thù được thành phố ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Tiếp sức hộ nghèo thiết thực

Đến các xã miền núi của huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà xập xệ xưa kia nay đã dần nhường chỗ cho những ngôi nhà khang trang, kiên cố. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tài, thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc phấn khởi nói: “Nhờ các chính sách hỗ trợ người nghèo của địa phương, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo”. Được biết, hơn 10 năm trước, gia đình ông Tài là một trong những hộ nghèo nhất của thôn Nam Yên. Năm 2004, sau khi được địa phương hỗ trợ vật nuôi, vốn vay, gia đình ông Tài đã mua bò, dê để chăn nuôi. Hiện nay, gia đình ông có khu trang trại rộng hơn 2.000m2, nhà cửa được xây dựng khang trang, cuộc sống ổn định. Theo cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Hòa Vang, đây chỉ là một trong số hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn không cam chịu đói nghèo, vươn lên thay đổi cuộc sống.

Mô hình trồng hoa cúc ở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) giúp các hộ gia đình thoát nghèo.

Mô hình trồng hoa cúc ở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) giúp các hộ gia đình thoát nghèo.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định: Chương trình giảm nghèo của TP Đà Nẵng trong thời gian qua đã đạt kết quả tương đối ổn định và toàn diện, đời sống nhiều hộ nghèo được nâng lên. Hầu hết hộ nghèo đều tiếp cận được với các dịch vụ xã hội cơ bản, như: Chỗ ở, học hành, khám, chữa bệnh, môi trường sống, nước sạch…

Trong những năm qua, TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách đặc thù về giảm nghèo, tạo cơ chế thuận lợi để các ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong từng thời điểm, lãnh đạo thành phố phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang trên địa bàn huy động nguồn lực trực tiếp trợ giúp các địa phương, hỗ trợ hộ nghèo. Các chính sách trợ giúp bước đầu được chuyển đổi từ hình thức cho không sang hình thức hỗ trợ có điều kiện gắn với sự nỗ lực vươn lên của từng hộ, như: Cho vay không lãi suất, hỗ trợ tư liệu, phương tiện sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi… Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, thành phố còn chú trọng áp dụng các chính sách bảo trợ xã hội, cải thiện đời sống, sinh hoạt và các công trình tiếp cận cho hộ nghèo, như: Chính sách ưu tiên bố trí nhà chung cư cho hộ nghèo không có nhà ở; chính sách miễn 100% tiền thuê nhà chung cư đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt; chính sách trợ cấp hằng tháng đối với người già yếu, tàn tật, trẻ em mồ côi, phụ nữ đơn thân, người ốm đau thường xuyên, mắc bệnh hiểm nghèo trong các hộ nghèo; chính sách hỗ trợ hằng tháng cho người mắc bệnh hiểm nghèo; chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí… Các chính sách này đã phát huy tác dụng, giúp hộ nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản và từng bước vươn lên thoát nghèo.

Hướng đến giảm nghèo bền vững

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, năm 1997, sau khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, thành phố còn 850 hộ đói, 10.471 hộ nghèo. Đến cuối năm 2000, Đà Nẵng đã xóa hết hộ đói và không còn hộ nghèo. Từ đó đến nay, thành phố đã 5 lần nâng chuẩn và ban hành đề án giảm nghèo. Trong từng giai đoạn, chuẩn nghèo của thành phố luôn cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương từ 20 đến 30% và thường hoàn thành mục tiêu về đích trước thời gian 2-3 năm, như: Đề án giảm nghèo (2009-2015), mức chuẩn 400.000-500.000 đồng/người/tháng (nông thôn-thành thị), toàn thành phố có 32.796 hộ, chiếm tỷ lệ 19,26%, đến cuối năm 2012 đã hoàn thành mục tiêu trước 3 năm. Đề án giảm nghèo (2013-2017), với mức chuẩn nghèo 600.000-800.000 đồng/người/tháng, toàn thành phố có 22.045 hộ, chiếm tỷ lệ 9,1%, đến cuối năm 2015 đã hoàn thành mục tiêu trước 2 năm. Đề án giảm nghèo (2016-2020), với mức chuẩn nghèo 1.100.000-1.300.000 đồng/người/tháng, toàn thành phố có 23.276 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,15%, trong hai năm 2016 và 2017 đã có 14.061 hộ thoát nghèo.

Theo ông Trần Công Nguyên, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng: Xác định việc làm là giải pháp quan trọng để hộ nghèo thoát nghèo nhanh và bền vững nên trong từng giai đoạn, thành phố luôn chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo bằng cách tạo việc làm ổn định. Bên cạnh việc ban hành và thực hiện chính sách tư vấn, đào tạo nghề miễn phí cho con em hộ nghèo, vận động các doanh nghiệp ưu tiên tiếp nhận lao động thuộc hộ nghèo vào làm việc… thành phố còn chú trọng đầu tư phát triển các mô hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ.

Hiện nay, nhiều mô hình tạo việc làm được triển khai sâu rộng, hiệu quả, như: Mô hình trồng nấm tại các xã của huyện Hòa Vang; mô hình tái chế rác thải để sản xuất nước rửa chén, nước lau sàn ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu); mô hình trồng hoa, cây cảnh ở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang)… Những mô hình này đã tận dụng, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đồng thời phù hợp với tính đặc thù, khả năng của người nghèo nên phát huy được hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, để hoàn thành các mục tiêu của Đề án giảm nghèo (2016-2020) và thực hiện giảm nghèo bền vững, thời gian tới, thành phố tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách giảm nghèo theo hướng thống nhất, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo; chính sách trợ giúp hộ nghèo phải hướng đến tính thiết thực, bền vững, gắn với sự nỗ lực vươn lên của từng hộ; đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp giảm nghèo theo hướng đa chiều (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch-vệ sinh, thông tin). Coi trọng việc đầu tư vốn, hỗ trợ người nghèo tham gia học nghề phù hợp theo hướng dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ, dạy nghề theo phương thức "cầm tay chỉ việc", dạy nghề kết hợp với hỗ trợ phương tiện làm ăn…

Bằng nhiều giải pháp tích cực, từ năm 1997 đến nay, TP Đà Nẵng đã huy động nguồn lực hỗ trợ xây mới 7.613 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 4.749 nhà cho hộ nghèo; cho 214.947 lượt hộ nghèo, hộ thoát nghèo vay vốn làm ăn; giới thiệu, đào tạo nghề cho 37.326 người, giải quyết việc làm cho 54.201 người nghèo; hỗ trợ phương tiện sản xuất cho 5.401 hộ, hướng dẫn cách làm ăn cho 75.817 lượt người; mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 1.171.044 lượt người nghèo... Qua đó, giúp 97.080 hộ thoát nghèo.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hieu-qua-tu-cac-chinh-sach-giam-ngheo-o-da-nang-525992