Hiệu quả từ các hợp tác xã chế biến lâm sản

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 20 hợp tác xã (HTX) kinh doanh và chế biến lâm sản. Những năm qua, các HTX này luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, hiện tạo việc làm cho trên 200 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 5 - 7 triệu đồng/ người/tháng.

 HTX Kinh doanh lâm sản và vật liệu xây dựng Bắc Thanh, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) với ngành nghề chính là sản xuất đồ gỗ nội thất, đang tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập trung bình 9,5 triệu đồng/người/tháng.

HTX Kinh doanh lâm sản và vật liệu xây dựng Bắc Thanh, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) với ngành nghề chính là sản xuất đồ gỗ nội thất, đang tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập trung bình 9,5 triệu đồng/người/tháng.

Một trong những HTX chế biến lâm sản hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh là HTX Kinh doanh lâm sản và vật liệu xây dựng Bắc Thanh, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên). HTX được thành lập từ năm 1988, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến lâm sản. Sau hơn 20 năm phát triển, HTX xây dựng được nhà xưởng rộng gần 2.000m2, hiện tạo việc làm ổn định cho 15 thành viên, người lao động với thu nhập trung bình 9,5 triệu đồng/người/ tháng. Ông Tô Tiến Bắc, Giám đốc HTX cho biết: Thời gian qua, HTX đã đổi mới phương thức quản lý, tiết kiệm chi phí và thường xuyên thay đổi mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX cũng tích cực tìm kiếm đối tác, từng bước mở rộng thị trường.

Còn đối với HTX Dịch vụ vận tải Chuyên Đức, xã Trung Hội (Định Hóa), khi mới thành lập, HTX kinh doanh dịch vụ vận tải là chính, nhưng do hoạt động vận tải ngày càng cạnh tranh, lợi nhuận thấp, HTX đã chuyển sang kinh doanh và chế biến lâm sản. Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Giám đốc HTX cho biết: Được thành lập từ năm 2004 với 9 thành viên, HTX Dịch vụ vận tải Chuyên Đức hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ vận tải. Năm 2015, do hoạt động kinh doanh vận tải hành khách ngày càng khó khăn nên HTX đã mở rộng sang sản xuất ván gỗ ép. HTX đã đầu tư trên 5 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc sản xuất ván gỗ ép. Đến nay, việc sản xuất, kinh doanh ván gỗ ép đi vào ổn định, tạo ra lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho gần 30 lao động với thu nhập trung bình gần 6 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài 2 HTX nêu trên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khoảng 5 năm trở lại đây, hầu hết các HTX kinh doanh và chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh đều duy trì hoạt động ổn định, có lợi nhuận, đảm bảo việc làm cho thành viên, người lao động. Trong số đó, nhiều HTX đã tích cực đầu tư máy móc, thiết bị, từ đó tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi nên thu nhập trung bình của người lao động tại các HTX tăng từ 2-3 triệu đồng/người/ tháng so với năm 2014. Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Tỉnh ta có diện tích rừng lớn, nguồn lâm sản dồi dào, là điều kiện thuận lợi để các HTX kinh doanh, chế biến lâm sản phát triển. Để hỗ trợ các HTX, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã tạo điều kiện giúp các đơn vị tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, khoa học kỹ thuật; mở các lớp tập huấn giúp lãnh đạo HTX nâng cao trình độ quản lý… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX kinh doanh, chế biến lâm sản nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, quảng bá, mở rộng thị trường…

Việt Dũng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/hieu-qua-tu-cac-hop-tac-xa-che-bien-lam-san-266241-108.html