Hiệu quả từ các mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm
Để triển khai hiệu quả việc đảm bảo an toàn thực phẩm, thời quan qua, thành phố Hà Nội đã xây dựng và tổ chức nhiều mô hình hay, tạo hiệu ứng tốt. Các mô hình này đã góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của người dân về việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm ở cơ sở.
Từ mô hình tự quản lý bếp ăn tập thể trường học
An toàn thực phẩm trong trường học luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Qua thực tế kiểm tra tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố thời gian qua cho thấy, công tác quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn được các đơn vị thực thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đơn cử như Trường Tiểu học Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân).
Theo đó khi tham gia mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm, Trường Tiểu học Nguyễn Tuân đã được đầu tư bếp ăn khang trang, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác bán trú... bảo đảm công tác vệ sinh tại bếp ăn của nhà trường.
Trường lựa chọn ký hợp đồng với Công ty Hương Việt Sinh, để cung cấp suất ăn cho học sinh và nấu tại bếp của trường. Việc bảo đảm công tác vệ sinh là điều kiện tiên quyết mà nhà trường yêu cầu công ty thực hiện nghiêm túc, trong đó yêu cầu: Chế biến đúng quy trình, có thùng đựng rác với nắp đậy kín và túi nilon lót, nhân viên bếp thu dọn chất thải, rác thải để đúng nơi quy định...
Nhà trường cũng ký hợp đồng với một đơn vị để bảo đảm việc vận chuyển, thu gom và xử lý rác ngay trong ngày; thành lập tổ tự giám sát... Nhờ sự kiểm soát chặt chẽ, công khai công tác vệ sinh và các điều kiện về an toàn thực phẩm nên các bữa ăn tại nhà trường luôn bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng, góp phần nâng cao sức khỏe cho học sinh.
Theo Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp, quận đã duy trì mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn từ năm 2019. Trong năm học 2022-2023, 100% ( 211/211) bếp ăn tập thể cơ sở giáo dục trên địa bàn quận đã được kiểm tra. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, từ đầu năm 2023 đến nay, quận Thanh Xuân đã kiểm tra, giám sát 865 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong 4 tháng đầu năm, toàn quận đã xử phạt 56 trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là hơn 288 triệu đồng.
Tương tự, là địa phương triển khai hiệu quả phong trào thi đua an toàn thực phẩm giai đoạn 2021-2025, quận Bắc Từ Liêm đã thực hiện nhiều mô hình điểm, tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong tuyên truyền, áp dụng các kiến thức và pháp luật của Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Đơn cử như mô hình “Cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm”; “Mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học”; “Mô hình cải thiện an toàn thưc phẩm dịch vụ ăn uống” tại 13 phường quận Bắc Từ Liêm; “Mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tại tuyến phố văn minh đường Cầu Diễn, phường Phúc Diễn….
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, hiện quận có 4.317 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị 12 chợ có ban quản lý, có chợ đầu mối phân phối thực phẩm. Để thực hiện tốt phong trào thi đua an toàn thực phẩm do thành phố phát động, quận đã duy trì, thực hiện các mô hình thi đua, tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành…
Năm 2022, quận đã kiểm tra 2.991 cơ sở. Trong đó, tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm trong các trường học, bếp ăn tập thể tại cụm công nghiệp, các cơ sở dịch vụ ăn uống, các hộ sản xuất, kinh doanh bánh mứt kẹo, các cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản cũng như các hộ chăn nuôi.Qua đó, quận đã xử phạt 153 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt trên 678,8 triệu đồng.
Đến các tuyến phố an toàn thực phẩm
Cùng với mô hình tự quản lý bếp ăn tập thể, mô hình Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát cũng đang phát huy hiệu quả tích cực. Theo tìm hiểu, từ năm 2018, mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” được triển khai thí điểm tại 8 quận, huyện, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và Đan Phượng với sự tham gia của gần 400 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Đến nay, sau gần 6 năm triển khai, Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 16 quận, huyện và có tới 873 cơ sở kinh doanh tham gia.
Tại quận Cầu Giấy, trên địa bàn quận có 11 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát với 247 cơ sở dịch vụ ăn uống và 10 cơ sở thức ăn đường phố. Gần 6 năm qua, quận đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các tuyến phố này. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng của quận đã xử phạt vi phạm hành chính 44 cơ sở với số tiền gần 180 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cho biết: “Qua kiểm tra, cơ quan chức năng của phường đã yêu cầu các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thông qua mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, kiến thức thực hành của người quản lý, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tăng lên; điều kiện cơ sở vật chất, việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở được cải thiện”.
Còn tại quận Hoàn Kiếm, được biết, hiện quận có 2.702 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thời gian qua, quận đã triển khai hiệu quả các mô hình đảm bảo a toàn thực phẩm để phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Mặt khác, theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, quận cũng duy trì và mở rộng tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, văn minh thương mại tại 3 tuyến phố: Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông, Âu Triệu - Lý Quốc Sư, ngõ chợ Đồng Xuân. Đến nay, quận đã tổ chức điều tra, thống kê 77 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 42 cơ sở thức ăn đường phố; đã cấp biến nhận diện cơ sở an toàn thực phẩm có kiểm soát cho 69 cơ sở.
Đầu năm 2023, quận đã xây dựng mô hình triển khai nhận diện cơ sở thức ăn đường phố đảm bảo an toàn thực phẩm tại phường Trần Hưng Đạo. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, quận đã chỉ đạo các phường rà soát được 18 cơ sở thức ăn đường phố đăng ký tham gia mô hình và đạt kết quả tích cực.
Có thể thấy, thời gian qua Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nội dung hoạt động về an toàn thực phẩm và hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Nhìn chung, các mô hình, phong trào thi đua an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố đều có sự thay đổi rõ rệt, tạo chuyển biến tích cực. Thông qua các mô hình, kiến thức thực hành của người quản lý, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tăng lên; điều kiện cơ sở vật chất, việc chấp hành các quy định an toàn thực phẩm của chủ cơ sở được cải thiện, nâng cao nhận thức vai trò quản lý của các cấp chính quyền.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-dam-bao-an-toan-thuc-pham-157997.html