Hiệu quả từ các tổ hợp tác

Từ những nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm ở nông thôn, bằng sự chăm chỉ và khéo léo, phụ nữ (PN) ở nhiều địa phương thành lập các tổ hợp tác (THT) giúp nhau có thêm việc làm, thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống và góp phần xây dựng nông thôn mới.

1. Đến nay, THT Đan lục bình tại ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An duy trì được 4 năm, góp phần giúp PN trong xã có thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình.

Tổ trưởng THT Đan lục bình - Lê Thị Điền cho biết, khi mới thành lập, bà không nghĩ tổ có thể duy trì lâu dài và ngày càng phát triển như hiện nay. Bởi bà cũng như người dân trong xã ít ai nghĩ rằng loại cây trôi nổi trên sông có thể mang đến nguồn thu nhập ổn định.

Bà Lê Thị Điền (bên trái) là người thành lập cũng là Tổ trưởng Tổ hợp tác Đan lục bình tại xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa

Bà Lê Thị Điền (bên trái) là người thành lập cũng là Tổ trưởng Tổ hợp tác Đan lục bình tại xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa

“Có lần tôi đến thăm nhà chị của tôi ở huyện Thạnh Hóa, thấy chị cùng nhiều chị em khác đan lục bình, tò mò nên tôi học thử. Thấy sản phẩm tôi làm đạt yêu cầu nên doanh nghiệp đề nghị hợp tác cùng tôi đan gia công sản phẩm. Về nhà, tôi rủ một số chị em hàng xóm cùng làm. Cách đan không quá khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. Hàng tháng, doanh nghiệp mang mẫu mới đến và thu thành phẩm lần trước về. Cứ vậy, chị em trong tổ có việc làm ổn định quanh năm” - bà Điền nói.

Tùy theo số lượng sản phẩm làm được, mỗi thành viên THT có nguồn thu khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, góp phần trang trải kinh tế gia đình.

Ban đầu, THT Đan lục bình chỉ có 10 thành viên, đến nay, số lượng thành viên lên hơn 50 người và chính thức thành lập THT Đan lục bình. Thành viên trong tổ ngoài nguồn thu từ việc đan gia công, còn có thêm thu nhập từ việc bán nguyên liệu.

Bà Bùi Thị Sáng (ấp 1, xã Long Thạnh) cho biết: “Nghề đan lục bình này hỗ trợ PN địa phương nhiều lắm, có thể vừa ở nhà, trông coi nhà cửa, vừa đan lục bình kiếm thêm thu nhập. Nhờ có THT Đan lục bình, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn. Có nhiều chị em còn đi cắt lục bình về phơi khô để bán, thu nhập cũng khá”.

Theo Chủ tịch UBND xã Long Thạnh - Bùi Thanh Tuấn, THT Đan lục bình tại xã góp phần giúp người dân có thêm nguồn thu, cải thiện kinh tế gia đình, chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

2. Tại xã Bình Hòa Nam (huyện Đức Huệ), THT Đan bàng ra mắt cách đây 2 năm nhưng đã hình thành và hoạt động từ khoảng 10 năm trước.

Tổ trưởng THT Đan bàng - Võ Thị Tuyết Mai cho biết: “Nghề đan đệm bàng vốn là nghề truyền thống ở vùng này nhưng càng về sau thì càng ít người làm vì đầu ra khó khăn. Có lần tôi về quê nội ở TP.HCM và thấy đệm bàng được bán trong chợ. Nghĩ lại các sản phẩm đan bàng ở quê mình, tôi quyết định phải tìm được đầu ra để duy trì nghề truyền thống”.

Tùy vào từng đơn hàng mà sản phẩm từ bàng có mẫu mã, kích thước khác nhau

Tùy vào từng đơn hàng mà sản phẩm từ bàng có mẫu mã, kích thước khác nhau

Nghĩ là làm, chị Mai lân la tìm hiểu, chào hàng khắp các địa phương, nhận được đơn hàng, chị vừa tự đan, vừa giao lại cho chị em PN trong ấp cùng làm. Giờ đây, các sản phẩm từ bàng ở Bình Hòa Nam được bán rộng rãi tại nhiều địa phương khác: TP.HCM, tỉnh Đắk Lắk, Tiền Giang,... Sản phẩm của tổ khá phong phú theo nhu cầu của khách hàng: Đệm nhiều kích cỡ, túi xách, ba lô,...

Nguồn thu của các thành viên THT tùy thuộc vào số lượng và mẫu mã sản phẩm, thường dao động từ 2-3 triệu đồng/tháng đối với người làm bán thời gian.

Chị Mai cho biết: “Vì nguyên liệu ngày nay không dễ kiếm như trước nên hầu hết chị em phải mua bàng từ nơi khác về đan. Vì vậy lợi nhuận cũng giảm bớt. Mặc dù nguồn thu từ nghề đan bàng không quá cao nhưng hỗ trợ được cho PN vừa làm việc nhà, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình”.

Hiện THT Đan bàng tại ấp 2, xã Bình Hòa Nam tạo việc làm ổn định cho hơn 10 PN tại địa phương.

Chủ tịch Hội Liên hiệp PN xã Bình Hòa Nam - Nguyễn Thị Anh Thư cho biết: “Nhờ có THT Đan bàng, xã vừa giữ được nghề truyền thống, vừa có thêm nguồn thu nhập cho PN lớn tuổi hoặc lúc nông nhàn, ít việc. Hiệu quả của THT cũng góp phần giúp cải thiện kinh tế gia đình hội viên PN tại địa phương”.

Các THT đan lục bình, đan bàng không chỉ là nơi sản xuất mà còn là những mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, vừa tạo ra thu nhập, vừa gắn kết cộng đồng.

Trong xu thế nhiều người đang hướng đến cuộc sống xanh, gần gũi với thiên nhiên, những sản phẩm thủ công từ lục bình, cỏ bàng vẫn còn “đất sống” và cơ hội phát triển ở tương lai./.

Tân Đông: Hiệu quả từ Tổ hợp tác Đan nón bàng

Từ nghề đan đệm bàng truyền thống, một số hội viên, phụ nữ ở ấp 4, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa phát triển thêm nghề đan nón, giỏ xách bàng và thành lập Tổ hợp tác Đan nón bàng.

Thu Lam

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hieu-qua-tu-cac-to-hop-tac-a183749.html