Hiệu quả từ chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình

Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả chính sách về đất đai và các tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh.

Công trình cứng hóa đường nội xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc. Ảnh: Thanh Hải

Công trình cứng hóa đường nội xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc. Ảnh: Thanh Hải

Tỉnh Hòa Bình hiện có 145 xã thực hiện Chương trình MTQG 1719. Trong đó, có 74 xã khu vực I, 12 xã khu vực II, 59 xã khu vực III và 86 thôn, xóm, bản đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã tập trung thực hiện các chính sách hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững hơn cho đồng bào vùng DTTS. Ông Hà Văn Di, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương chủ động triển khai kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội. Từ đó khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng; khuyến khích người dân phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập với vùng thuận lợi.

Trên cơ sở các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình, chính sách, dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt đối với đồng bào DTTS, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao Ban Dân tộc, các sở, ngành, địa phương triển khai tổ chức thực hiện và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc.

Thực hiện nội dung hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2019 - 2020, từ nguồn ngân sách của Trung ương, UBND tỉnh Hòa Bình đã phân bổ hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư công trình nước sinh hoạt, thiết bị đựng nước. Nhờ đó, hơn 2.600 hộ dân đã được hưởng lợi. Đối với nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, tỉnh đã rà soát, đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 16 nghìn hộ với tổng kinh phí hơn 109 tỷ đồng giúp đồng bào khai hoang, phục hóa, cải tạo đất sản xuất và chuyển đổi nghề. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ hơn 2.600 hộ chuyển đổi nghề; hỗ trợ nguồn nước, thiết bị tích nước phục vụ sinh hoạt cho gần 15 nghìn hộ và đầu tư 37 công trình nước sinh hoạt tập trung.

Để thực hiện hỗ trợ về nhà ở, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các sở, ngành lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực. Mới đây, tỉnh Hòa Bình cũng đã phát động đợt cao điểm 450 ngày xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ khó khăn về nhà ở để chăm lo tốt hơn cho người nghèo. Đặc biệt, để huy động Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ 2.157 hộ khó khăn về nhà ở, trong đó xây mới nhà cho 1.247 hộ, sửa chữa nhà cho 910 hộ với tổng kinh phí khoảng hơn 77 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1.829 hộ. Dự kiến đến cuối năm 2024, chương trình này sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra. Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho 3.807 hộ. Từ nguồn vốn phân bổ năm 2023 - 2024, tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho 877 hộ. Đến nay đã hỗ trợ cho 699 hộ.

Toàn tỉnh hiện còn khoảng hơn 3.900 hộ cần hỗ trợ về nhà ở. Để tiếp tục giúp các hộ an cư, lạc nghiệp, Ban Dân tộc tỉnh xác định triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc lựa chọn đối tượng thụ hưởng đảm bảo công khai, minh bạch. Từ đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn cấp thiết về điều kiện sống, sinh hoạt của hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, giúp nhiều hộ từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hieu-qua-tu-chinh-sach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dan-toc-thieu-so-tinh-hoa-binh-10293065.html