Hiệu quả từ dự án hỗ trợ nông hộ

Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh được triển khai từ năm 2017 đến nay, do Chính phủ Việt Nam và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế tài trợ. Dự án CSSP chú trọng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tác động trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Từ đó đem lại sự thay đổi về tư duy sản xuất của người dân, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống tại các địa phương trong vùng dự án.

Dự án CSSP được triển khai trên địa bàn 30 xã thuộc 3 huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Thạch An gồm 4 hợp phần và 7 tiểu hợp phần, tập trung hỗ trợ trực tiếp cho nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo nông thôn, hộ nông dân, nhóm đồng sở thích (CIG), cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Từ năm 2017 đến nay, Dự án CSSP hỗ trợ hoàn thiện 5 kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị (SIP) dựa trên ngành hàng là các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương, gồm: lợn đen, bò Mông, dong riềng, gừng hàng hóa, lúa gạo chất lượng cao; 8 bản kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị (VCAP) cấp huyện và 53 bản VCAP cấp xã được xây dựng, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Các hộ chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi giá trị từ khâu cung ứng con giống, cây giống bảo đảm chất lượng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Mối liên doanh, liên kết giữa người sản xuất với đơn vị tiêu thụ sản phẩm ngày càng vững chắc.

Dự án hỗ trợ thành lập 678 nhóm CIG, tổ hợp tác, trong đó 644 tổ được nhận tài trợ từ Quỹ CSA với tổng số vốn hơn 43,5 tỷ đồng; 280/678 tổ, nhóm có liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó 180 nhóm CIG liên kết với 6 doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh được nhận Quỹ APIF (Quỹ xúc tiến đầu tư kinh doanh nông nghiệp). Việc liên kết bảo đảm tính hiệu quả và bền vững cho các tổ hợp tác, tạo sinh kế, tăng cơ hội tìm việc làm cho người dân, nhất là lao động nữ, người dân tộc thiểu số. Dự án duy trì 322 nhóm tiết kiệm tín dụng cho đối tượng phụ nữ nghèo mong muốn tham gia chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng dành cho Quỹ Phụ nữ phát triển; đầu tư 188 công trình hạ tầng cơ sở đưa vào sử dụng phục vụ các chuỗi giá trị.

Các hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Vũ Minh (Nguyên Bình) đẩy mạnh hoạt động liên kết.

Các hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Vũ Minh (Nguyên Bình) đẩy mạnh hoạt động liên kết.

Thông qua việc triển khai thực hiện dự án tác động 25.000 người dân được tham gia trong vùng dự án. Các hoạt động của dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh trong 7 năm qua có những tác động đồng bộ liên quan đến hoạt động sản xuất của người dân, giúp người dân có kiến thức, biết nâng cao kỹ thuật sản xuất, có thêm kiến thức về thị trường. Qua các bộ công cụ dự án cùng các ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng được quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế thị trường, có sự tham gia của người dân và yếu tố về thích ứng biến đổi khí hậu được quan tâm. Điểm mới là đề cao tính thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành và người dân.

Đến nay, Dự án CSSP giải ngân 732.825 tỷ đồng, đạt 90,12% tổng mức được phê duyệt. Năm 2024 là năm cuối thực hiện dự án sau khi được gia hạn, Ban điều phối đang thực hiện các hoạt động khảo sát, đánh giá, tài liệu hóa kết quả của dự án và tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cần thiết cho các đơn vị liên quan nhằm bảo đảm tính bền vững sau khi dự án kết thúc.

Giám đốc Ban điều phối Dự án CSSP tỉnh Vũ Thị Hồng Thúy chia sẻ: Dự án CSSP giai đoạn 2017 - 2024 được triển khai làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Nhiều xã vùng cao trước đây khó khăn về sinh kế, nhờ Dự án CSSP đã có hướng đi bền vững, người dân có ý thức khai thác thế mạnh đất đai, ứng phó với biến đổi khí hậu một cách linh hoạt.

Tiến Mạnh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hieu-qua-tu-du-an-ho-tro-nong-ho-3173133.html