Hiệu quả từ mô hình cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường ở Cam Lộ

Trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí môi trường được xem là tiêu chí khó thực hiện và khó để duy trì bền vững. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Cam Lộ, việc thực hiện có hiệu quả 'Mô hình cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường' đã giúp huyện sớm hoàn thành tiêu chí môi trường, góp phần đưa huyện Cam Lộ sớm trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

 Người dân xã Cam Thành thu gom rác thải. Ảnh: PV

Người dân xã Cam Thành thu gom rác thải. Ảnh: PV

Xác định “Mô hình cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường” là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác quản lí, bảo vệ môi trường, trong các năm qua, huyện Cam Lộ đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các xã, thị trấn triển khai thực hiện, trong đó đề cao vai trò tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể đã tích cực phát động nhiều phong trào, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường. Cách làm này đã có tác dụng lan tỏa, góp phần thực hiện hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hầu hết các mô hình bảo vệ môi trường đều dựa vào cộng đồng, theo hướng tự chủ, tự quản, hoạt động hiệu quả.

Để giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt, huyện đã chỉ đạo thực hiện “Mô hình thu gom, vận chuyển, xử lí rác thải sinh hoạt tại các xã, thị trấn“. Theo đó các xã, thị trấn thành lập 50 tổ, đội thu gom rác thải sinh hoạt ở 105 thôn, bản, khu phố với 118 người làm công tác thu gom; sử dụng 73 phương tiện vận chuyển. Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã tuyên truyền vận động người dân phân loại rác ngay tại gia đình thành rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ, rác thải xây dựng... Hầu hết lượng rác thải hữu cơ được xử lí ngay tại hộ gia đình, lượng rác thải còn lại bỏ vào sọt rác để các tổ, đội thu gom, vận chuyển đến nơi xử lí tập trung. Bên cạnh rác thải sinh hoạt, đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo ước tính, lượng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 1.167,5 kg/năm.

Để có thể thu gom được lượng rác thải này một cách thuận lợi nhất, tại 8 xã, thị trấn đã xây dựng 164 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại các trục chính ở những cánh đồng. Tuyên truyền, vận động nhân dân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng bỏ vào các bể chứa, sau đó huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai xử lí theo đúng quy trình. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn tổ chức kí cam kết bảo vệ môi trường đối với các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Chỉ đạo đăng kí các công trình, phần việc bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới như làm vệ sinh đoạn đường trước cổng nhà, làm đường hoa, hàng rào xanh... đã tạo môi trường đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp.

Để huy động người dân chung tay góp sức bảo vệ môi trường, bằng các hoạt động thiết thực, huyện Cam Lộ đã đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước của thôn, làng và xem đây là một trong những tiêu chí để xét tặng danh hiệu làng văn hóa, gia đình văn hóa. Hương ước, quy ước được Ban điều hành thôn, khu phố thông qua tại các cuộc họp dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua đó, đã huy động toàn dân ra quân chỉnh trang nông thôn, làm tốt vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm..

Mô hình xử lí chất thải phát sinh trong chăn nuôi lợn bằng hầm biogas cũng được huyện quan tâm chỉ đạo. Bằng nguồn vốn sự nghiệp môi trường được phân bổ hằng năm, UBND huyện đã hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng các hầm biogas bằng vật liệu composite phục vụ xử lí môi trường chăn nuôi theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp các hộ tận dụng được nguồn chất thải chăn nuôi sau quá trình xử lí bằng hầm biogas làm khí đốt, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Việc thực hiện các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường được gắn với trách nhiệm của các hội, đoàn thể và được các hội, đoàn thể hưởng ứng tích cực. Hội Phụ nữ huyện có nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát huy vai trò chủ lực của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường như: Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi. Tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các trục đường thôn xóm, khu dân cư, khu vực chợ; vận động hội viên phụ nữ tham gia phát động phong trào “Ngày chủ nhật xanh”... nhằm thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Huyện đoàn thực hiện các nội dung phong trào xây dựng văn minh đô thị, chung tay bảo vệ môi trường. Tổ chức các hoạt động truyền thông chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, Tháng Thanh niên, các ngày lễ về môi trường với hình thức đa dạng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến người dân.

Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Lê Quang Chiến cho biết: “Các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường đã tạo thành một phong trào thi đua “tự nguyện tham gia công tác vệ sinh môi trường“, là hoạt động mang tính khoa học và xã hội hóa cao. Đồng thời là cơ hội để mọi người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, tìm ra các giải pháp thiết thực để bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng môi trường khu vực chính nơi người dân sinh sống. Việc triển khai các mô hình này trong thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng và đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Cam Lộ“.

Nhờ thực hiện có hiệu quả các mô hình trên, đến nay tình hình môi trường trên địa bàn huyện Cam Lộ được cải thiện rõ nét. Tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh 98,6%, nước sạch 72,6%; 100% số cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; 100% số xã đạt tiêu chí đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh, sạch, đẹp; các xã đạt chuẩn tiếp tục có giải pháp nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu; 100% số xã quy hoạch nghĩa trang nhân dân, thực hiện mai táng phù hợp với quy định, có quy chế quản lí và sử dụng nghĩa trang phù hợp với từng địa bàn các xã. Chất thải rắn trên địa bàn, nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh được thu gom, xử lí đúng quy định về bảo vệ môi trường; 100% số hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Những kết quả này đã góp phần giúp huyện Cam Lộ sớm hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Điều quan trọng hơn đó là tạo cho người dân có một môi trường sống an toàn, trong lành hơn.

Lê Oanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145064