Hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất nông sản của thanh niên

Với mô hình sản xuất tập trung, cùng nhau tương trợ, giúp đỡ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, Tổ hợp tác (THT) liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của Đoàn Thanh niên thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) đã từng bước mang lại hiệu quả và nâng cao thu nhập cho thanh niên. THT được thành lập từ tháng 10/2019 do anh Lưu Lập Đức, sinh năm 1992 làm tổ trưởng. Khi mới thành lập có khoảng 10 tổ viên, đến nay, đã phát triển lên 20 tổ viên cùng nhau liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, với vốn điều lệ 500 triệu đồng.

THT đã tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động địa phương

THT đã tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động địa phương

Kể về quá trình thành lập THT, Đức cho biết: “Trước đây, tuy đã có kinh nghiệm trong việc trồng rau màu cho năng suất cao, nhưng thanh niên trên địa bàn thị trấn chưa chú trọng đến liên kết sản xuất mà chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, giá cả bán cho thương lái bấp bênh, được giá thì mất mùa, được mùa thì mất giá. Chính vì vậy, được sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên thị trấn và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn, tôi đã đứng ra tập hợp một số thanh niên trồng rau màu để thành lập THT. Lúc đầu, việc vận động các thành viên tham gia còn gặp nhiều khó khăn, nhưng sau khi đi vào hoạt động, thấy hiệu quả mà mô hình mang lại, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đã tự nguyện góp vốn cùng tham gia. Hiện, hầu hết các tổ viên của THT là các đoàn viên, thanh niên có độ tuổi từ 24 tuổi trở lên”.

Thành viên THT, anh Vi Văn Chương cho biết: “Tôi tham gia THT ngay từ những ngày đầu. Khi tham gia vào THT, ngoài việc đảm bảo thị trường đầu ra cho các mặt hàng nông sản, các thành viên còn được học hỏi, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc để từng bước nâng cao sản lượng và chất lượng rau màu. Nhờ những kinh nghiệm được đúc kết, đến nay, tôi có khoảng 1,5 ha rau màu thường xuyên cung cấp nguồn nông sản cho THT, mang lại nguồn thu nhập cao gấp 6 lần so với trước đây khi chưa tham gia liên kết với THT. Và kể từ khi tham gia vào THT, tôi còn được ứng trước tiền để sản xuất”.

Để hướng đến sản xuất bền vững, hàng tháng, THT đều tổ chức họp bàn để thông báo tình hình sản xuất các mặt hàng nông sản trong thời gian qua; nhất là khi bước vào vụ mới, lại cùng nhau bàn bạc và nghiên cứu thị trường để lựa chọn giống cây trồng phù hợp với thời tiết, mùa vụ, thị trường tiêu thụ. Hiện tại, mỗi ngày, THT thu mua khoảng 10 tấn rau củ quả, xuất bán cho hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh và các chợ nông sản tại các tỉnh, thành miền Nam.

Từ sản xuất, tiêu thụ ổn định, mỗi tháng THT thường xuyên sử dụng khoảng 30 lao động địa phương, với thu nhập trung bình từ 5-15 triệu đồng/tháng.

“Bên cạnh các mặt hàng do các thành viên của THT cung cấp, chúng tôi còn đặt thêm nhà nông mới đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Để có được đầu ra tiêu thụ ổn định như hiện nay, tôi đã tìm tới tận nơi chào hàng và quan trọng là mình làm ăn phải bằng cái tâm và sự trung thực, cam kết đúng chất lượng vì nếu như không làm ăn trung thực, chỉ một vài lần là mình đã bị thị trường đào thải liền” - anh Lưu Lập Đức cho biết thêm.

Đánh giá về hoạt động của THT, anh Phạm Việt Hùng - Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Liên Nghĩa cho biết: “Tuy mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng hiệu quả mà THT mang lại là không nhỏ, không chỉ mang lại thu nhập cao cho tổ viên, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trên địa bàn. Trước hiệu quả mà mô hình này mang lại, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu để tiếp tục nhân rộng mô hình này”.

THY VŨ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202003/hieu-qua-tu-mo-hinh-to-hop-tac-lien-ket-san-xuat-nong-san-cua-thanh-nien-2995337/